Vừa rồi, có một dự án tư vấn mà team Quân chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi để cùng với khách hàng cho ra câu định vị thương hiệu cho một nền tảng sắp triển khai. Và sau đó thì hai bên chỉ mất thêm vài ngày để hoàn thành thông điệp và kế hoạch truyền thông cho từng nhóm đối tượng. Những hạng mục này thường sẽ phải mất vài tuần trao đổi, cùng nhiều vòng chỉnh sửa qua lại. Sự tăng tốc này có được là nhờ hai bên đã dành nhiều thời gian để phân tích và làm rõ mô hình kinh doanh với Business Model Canvas (BMC).

Hơn cả một công cụ dành riêng cho những anh chị chủ doanh nghiệp (mà ai kinh doanh thì chắc cũng biết rồi), nếu được thực hiện một cách bài bản thì BMC còn là một trợ thủ đắc lực cho những người làm công việc liên quan đến Marketing và truyền thông. Quân tạm kể ra một số thành phần quan trọng và liên quan nhất:

Customer Segments – Phân Khúc Khách Hàng

Trong phần lớn các trường hợp, nhóm khách hàng của các doanh nghiệp và thương hiệu cũng là đối tượng chính của các hoạt động Marketing. Bên cạnh việc mô tả khách hàng theo giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý thì doanh nghiệp còn có thể xác định họ rõ hơn qua các nỗi đau và nhu cầu liên quan, hành trình mua hàng và các kênh mà họ sử dụng. Đây là tiền đề rất tốt để xây dựng chân dung đối tượng mục tiêu trong kế hoạch truyền thông. Làm chắc tay bước này thì những bước sau sẽ “dễ thở” hơn.

Value Propositions – (tạm dịch) Tuyên Bố Giá Trị

Đây mới chính là cái mà khách hàng trả tiền để mua thông qua các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Sau khi làm rõ được những nỗi đau, nhu cầu, và lý do tại sao họ cần phải lựa chọn giải pháp của mình thì việc đưa ra các thông điệp truyền thông sẽ đơn giản hơn nhiều. Bước tiếp theo của việc chốt được những gạch đầu dòng này sẽ là chọn các kênh phù hợp cùng các hoạt động, hình ảnh, và câu từ để thể hiện đúng giá trị mà mình mang đến cho từng nhóm người.

Customer Relationships – Quan Hệ Khách Hàng

Mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược Marketing. Ví dụ như nếu chỉ bán hàng ngắn hạn, một lần rồi thôi, thì chỉ cần tạo leads rồi chốt đơn. Còn nếu xác định là muốn gắn bó lâu dài với họ thì nên đầu tư thêm cho các hoạt động quản trị quan hệ khách hàng.

Channels – Kênh Truyền Tải

Mỗi doanh nghiệp sẽ có nhiều kênh khác nhau để “chạm” và cung cấp giá trị cho khách hàng của mình. Nắm được bức tranh lớn này, các bạn phụ trách Marketing có thể suy nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để truyền tải thông điệp và kêu gọi hành động hiệu quả, hơn là chỉ chạy quảng cáo, làm SEO, hay tổ chức sự kiện. Ví dụ như có thể in QR code trên bao bì sản phẩm để khách hàng quét mã nhận thưởng sau khi điền đầy đủ thông tin làm khảo sát mức độ hài lòng.

Các Thành Phần Khác

Các thành phần còn lại của BMC cũng hỗ trợ nhiều cho quá trình xây dựng kế hoạch Marketing. Ví dụ như Key Activities sẽ giúp hiểu được doanh nghiệp đang có những hoạt động, phòng ban nào để phối hợp làm việc hiệu quả. Key Resources cho biết những nguồn tài nguyên doanh nghiệp có thể sử dụng được để tiết kiệm chi phí (như bài mà Quân đã viết lần trước)

Q tin rằng BMC, khi được triển khai một cách “có tâm”, sẽ giúp việc xây dựng kế hoạch Marketing và truyền thông trở nên đơn giản và nhanh chóng. Hiểu rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, các bên sẽ tránh được việc xây dựng kế hoạch quá bay bổng, không hiệu quả, hoặc chỉ tập trung vào việc “có mặt” ở những kênh phổ biến mà ai cũng làm. 

Trong quá trình làm kinh doanh, nếu có nảy sinh thêm ý tưởng thì doanh nghiệp cũng có thể quay lại đối chiếu với BMC để quyết định xem ý tưởng đó có phù hợp hay không. Thời buổi kinh tế khó khăn, việc hạn chế chi tiền không đúng chỗ sẽ giúp các công ty tăng khả năng tồn tại hơn. 

Thông tin về BMC trên mạng thì nhiều lắm. Alphabooks cũng có sẵn một quyển sách về chủ đề này rồi. Nên bạn nào làm Marketing mà chưa biết thì nên tìm hiểu. Còn anh chị nào đã đọc rồi thì cũng có thể ngồi làm lại một cách “có tâm” hơn nữa để xây dựng cho mình một kế hoạch Marketing hiệu quả hơn.

Võ Minh Quân, CEO IMP – Inbound Marketing Partner