Mô Hình Digital Marketing Cho Nhà Quản Lý

Để thực hiện một chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số thành công, việc xác định mô hình digital marketing cho nhà quản lý triển khai là rất quan trọng. Bài chia sẻ này sẽ giới thiệu đến nhà quản lý một số mô hình tiếp thị phổ biến, có thể cân nhắc cho chiến dịch tiếp thị sắp tới của doanh nghiệp.

1. Mô hình AIDA

Mô hình tiếp thị AIDA giúp doanh nghiệp xác định các giai đoạn nhận thức mà một cá nhân/người mua hàng trải qua trong quá trình mua sắm một sản phẩm hoặc dịch vụ. Mô hình AIDA có dạng phễu, với phần đỉnh nhọn. Xét từ trên xuống dưới, mô hình này cho thấy 4 yếu tố tâm lý của người mua hàng, lần lượt là Attention (Sự thu hút), Interest (Sự thích thú), Desire (Sự mong muốn) và cuối cùng là Action (Hành động).

Mô hình AIDA đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước, nhưng cho đến nay, đây vẫn là một trong những mô hình marketing được sử dụng nhiều nhất. Ưu điểm chính của mô hình này chính là tính đơn giản. Dựa trên 4 giai đoạn tâm lý được nghiên cứu từ mô hình này, doanh nghiệp có thể đánh giá phương hướng chiến lược một cách dễ dàng hơn. Thông qua việc đặt câu hỏi tương ứng với 4 giai đoạn tâm lý của khách hàng, doanh nghiệp sẽ có thể tìm ra đâu là phân đoạn cần cải thiện. Dưới đây là bảng câu hỏi mà doanh nghiệp có thể tham khảo.

Attention: Làm thế nào để người mua biết về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp? Chiến lược tiếp cận cộng đồng của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp nên thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức về thương hiệu như thế nào? Doanh nghiệp nên sử dụng những công cụ hoặc nền tảng nào? Các thông điệp mà doanh nghiệp nên truyền tải là gì?

Interest: Doanh nghiệp nên thu hút sự quan tâm của khách hàng như thế nào? Chiến lược phát triển nội dung của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp nên cung cấp thông tin này như thế nào và ở đâu?

Desire: Điều gì làm cho khách hàng mong muốn sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp? Làm thế nào để doanh nghiệp tìm hiểu về mong muốn của khách hàng? 

Action: Lời kêu gọi hành động là gì và doanh nghiệp nên đặt chúng ở đâu? Doanh nghiệp nên kêu gọi hành động như thế nào và trên nền tảng nào?

Những điều cần biết về Digital Marketing cho nhà quản lý

2. Mô hình AISAS

Trong cẩm nang tìm hiểu các mô hình digital marketing cho nhà quản lý, thì mô hình AISAS cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc cho chiến dịch tiếp thị. AISAS là nhóm chữ cái viết tắt cho Attention (Sự chú ý), Interest (Sự thích thú), Search (Tìm kiếm), Action (Hành động) và Share (Chia sẻ). Trước đây, việc giao tiếp giữa thương hiệu và khách hàng thường bị giới hạn một chiều. Tuy nhiên, sau khi Internet, website và mạng xã hội ra đời, việc giao tiếp hai chiều giữa bên bán và bên mua đã trở nên khả thi. Và mô hình AISAS được ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp tập trung cải thiện mối liên kết 2 chiều này, đây cũng chính là ưu điểm lớn nhất của mô hình AISAS. 

​​

Mô hình AISAS

Bằng cách sử dụng mô hình tiếp thị AISAS, doanh nghiệp không những có thể theo dõi quá trình mua hàng mà còn có thể thúc đẩy người mua hành động sau khi mua hàng. Ví dụ: Trước khi người tiêu dùng muốn mua một sản phẩm, họ thường đọc một số bài đánh giá về sản phẩm rồi mới đưa ra quyết định. Và sau khi mua sản phẩm, họ có khả năng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, dưới dạng các bài đánh giá sản phẩm trên các trang mạng xã hội hoặc chính trang bán sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tận dụng điều này để tăng độ nhận diện thương hiệu cũng như tăng cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn.

Xem thêm: Tiêu chí chọn kênh Digital Marketing nhà quản lý cần biết
                   Các kênh Digital Marketing với chi phí thấp

3. Mô hình Flywheel

Đây cũng là một mô hình đáng chú ý trong số các mô hình digital marketing cho nhà quản lý. Khác với hai mô hình digital marketing trên, mô hình Flywheel không có dạng phễu mà có dạng bánh đà. Nền tảng xây dựng mô hình Flywheel hoàn chỉnh chính là 3 yếu tố Attract (Thu hút), Engage (Tương tác) và Delight (Làm hài lòng).

Ở giai đoạn Thu hút, doanh nghiệp cần tạo sự hứng thú, tò mò cho Người lạ (những người lần đầu biết đến doanh nghiệp/sản phẩm của doanh nghiệp). Nói cách khác, doanh nghiệp cần có chiến lược hấp dẫn để chuyển đổi Người lạ trở thành Khách hàng tiềm năng cho thương hiệu. Tiếp đến là giai đoạn Tương tác. Tại bước này, doanh nghiệp cần áp dụng các chiến lược phù hợp với mục tiêu chính là tăng tỷ lệ tương tác từ Khách hàng tiềm năng, sau đó cố gắng thúc đẩy Khách hàng tiềm năng hành động (mua hàng) để chuyển đổi họ thành Khách hàng. Cuối cùng là giai đoạn Làm hài lòng khách hàng. Doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện và tối ưu dịch vụ chăm sóc khách hàng, cả trước và sau khi mua hàng. Doanh nghiệp cần thể hiện được sự quan tâm đối với khách hàng sau khi mua hàng, ví dụ thông qua việc xin phản hồi, đánh giá về sản phẩm, gửi email cảm ơn vì đã mua hàng,… Nếu đã làm khách hàng hài lòng, thì doanh nghiệp sẽ có khả năng thúc đẩy Khách hàng trở thành Người quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.
Khi thực hiện digital marketing cho nhà quản lý, doanh nghiệp có thể tham khảo 3 mô hình trên đây để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn.

Các chỉ số Digital Marketing nhà quản lý cần nắm rõ giúp xây dựng mô hình.