Nhờ nhiều lợi ích to lớn, Shopify trở thành một trong những giải pháp bán hàng trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. Người dùng có thể tự tạo cho mình cửa hàng Shopify một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, quá trình thiết lập một cửa hàng trực tuyến hiệu quả cũng cần cân nhắc nhiều vấn đề, hãy cùng theo dõi những điều cần lưu ý khi thiết lập cửa hàng trực tuyến Shopify nhé.
Shopify là gì?
Có lẽ trong kinh doanh, từ khóa “Shopify” không còn là xa lạ với hầu hết doanh nghiệp/thương hiệu, đặc biệt là với những công ty thương mại điện tử. Vậy Shopify là gì? Shopify chính là một trong 4 nền tảng thương mại điện tử hoàn chỉnh và phổ biến nhất hiện nay, cho phép người dùng sử dụng nhiều chức năng để kinh doanh online sau khi đăng ký tạo tài khoản Shopify.
Cụ thể, sau khi đăng ký các gói trả phí từ Shopify, người dùng có thể tự mình xây dựng một cửa hàng Shopify trực tuyến của riêng mình, không chỉ vậy, với bộ công cụ hữu ích từ nền tảng, người dùng có thể lựa chọn thiết kế phù hợp theo nhu cầu của bản thân, thêm sản phẩm và đăng tải thông tin sản phẩm, xử lý đơn đặt hàng của khách hàng, xử lý giao dịch thanh toán trực tuyến thông qua nhiều cổng thanh toán khác nhau, chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kết nối và tiếp cận với khách hàng… và nhiều hơn thế nữa.
Đồng thời, tự xây dựng website bán hàng Shopify là một lựa chọn với chi phí hợp lý hơn so với việc thuê bên thứ 3 xây dựng cửa hàng trực tuyến. Bản thân nền tảng này cũng được đánh giá là một giải pháp đáng tin cậy về lâu dài, luôn được nâng cấp liên tục và sẵn sàng hỗ trợ người dùng qua nhiều phương thức liên hệ nhanh chóng, dễ dàng.
Những điều quan trọng cần lưu ý khi thiết lập cửa hàng trực tuyến Shopify
Shopify sẽ trở thành một công cụ đắc lực đối với việc kinh doanh của thương hiệu/doanh nghiệp. Tuy nhiên, để quá trình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử này được diễn ra hiệu quả, khi thiết lập cửa hàng Shopify, người dùng cần lưu ý một số vấn đề như dưới đây.
Chọn tên miền
Sau khi hoàn thành những bước cơ bản để thiết lập cửa hàng, website cửa hàng sẽ có một tên miền phụ mặc định, ví dụ “nameofthestore.myshopify.com”. Nếu không ưng ý tên miền mặc định này, người dùng có thể tự mình thay đổi tên miền bằng cách nâng cấp tên miền tùy chỉnh theo đúng tiêu chuẩn bất cứ lúc nào thông qua Shopify. Để thực hiện việc thay đổi này, người dùng chỉ cần nhấn vào nút “Buy new domain” và thực hiện quy trình theo hướng dẫn của Shopify. Quá trình này sẽ được thực hiện rất dễ dàng và không tốn nhiều thời gian.
Đảm bảo vấn đề chi trả
Trước khi khách hàng mua bất cứ thứ gì, doanh nghiệp/thương hiệu cần phải tích hợp cửa hàng Shopify với cổng thanh toán trực tuyến, điều này có thể được thực hiện trong phần “Settings/Payments (Cài đặt/Thanh toán)”. Theo mặc định, Shopify được tích hợp với cổng thanh toán trực tuyến PayPal, nhưng ngoài ra, nó còn cho phép doanh nghiệp/thương hiệu chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng thông qua nhiều cổng thanh toán khác và một số phương thức thanh toán thay thế nhất định.
Tuy nhiên, cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để giải quyết vấn đề này vẫn là sử dụng cổng thanh toán mặc định PayPal, không cần điều chỉnh bất cứ gì, miễn là doanh nghiệp/thương hiệu sử dụng cùng một địa chỉ email cho cả cửa hàng trực tuyến Shopify và PayPal của mình.
Chỉnh chế độ công khai cho cửa hàng
Bước cuối cùng trong quá trình thiết lập cửa hàng trực tuyến Shopify là thiết lập cửa hàng ở chế độ công khai. Để làm điều đó, hãy truy cập vào mục “Online Store/Overview (Cửa hàng trực tuyến/Tổng quan)” và nhấn nút “Unlock your store (Mở khóa cửa hàng của bạn)”.
Quá trình thiết lập cửa hàng Shopify sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn nếu lưu ý những vấn đề quan trọng như trên. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ biết cách tối ưu hiệu quả của Shopify và thu về lợi ích cao nhất.