Hiện nay, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực kinh doanh thời thượng nhất tại Việt Nam. Nhưng, bên cạnh ưu điểm nổi bật, những thách thức của thương mại điện tử cũng là vấn đề mà doanh nghiệp cần phải đối mặt khi bước chân vào lĩnh vực này. Qua quá trình khảo sát và phân tích, chúng tôi nhận thấy bốn vấn đề dưới đây luôn là những thách thức cơ bản nhất mà bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử nào cũng có thể đối mặt.
1. Lòng tin với sản phẩm và thương hiệu
Lòng tin với sản phẩm và thương hiệu luôn là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự ra đi – ở lại của khách hàng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nhắc đến yếu tố lòng tin này, đó không đơn giản là sự tin dùng của người mua đối với sản phẩm mà còn nhiều hơn thế nữa. Lòng tin của khách hàng đến từ sự đánh giá của họ, và sự đánh giá này đến từ chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà họ nhận được. Đồng thời, danh tiếng thương hiệu trên thị trường cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định sự đánh giá của khách hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối đầu với nhiều vấn đề gay go hơn có thể ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm và thương hiệu, tiêu biểu như tình trạng hàng giả có thể xuất hiện ở bất kỳ nền tảng thương mại điện tử nào. Với sự phát triển của công nghệ tinh vi hiện nay, việc sử dụng tem chống hàng giả dần dần không còn là một biện pháp tối ưu nhất để người mua phân biệt hàng thật – hàng giả. Tuy nhiên, để giải quyết một trong những thách thức của thương mại điện tử như thế này, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu đã ứng dụng thành công công nghệ quét mã vạch để người mua có thể dễ dàng kiểm tra hàng thật – hàng giả khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
2. Tính cạnh tranh cao
Khi đã bước chân vào lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý để đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ vô số đối thủ lớn nhỏ trong cùng lĩnh vực. Đặc biệt, vì thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực kinh doanh phổ biến nhất hiện nay, điều này cũng có nghĩa rằng tính cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử sẽ cao hơn rất nhiều so với nhiều ngành nghề khác. Có thể thấy, khi người mua hàng tìm kiếm một món hàng bất kỳ trên một nền tảng thương mại điện tử, họ sẽ nhận được vô số kết quả, là sản phẩm được bán bởi vô số nguồn cung cấp khác nhau. Vấn đề đã được đặt ra, doanh nghiệp cần làm gì để thu hút người mua hàng và khiến họ lựa chọn sản phẩm từ thương hiệu của mình thay vì những đối thủ khác? Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp đều sẽ có những chiến lược riêng để trả lời cho câu hỏi này. Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ các trang thương mại điện tử toàn cầu nên việc cải tiến liên tục là rất cần thiết.
3. Thời gian giao hàng còn nhiều hạn chế
Khi nhắc đến các thách thức của thương mại điện tử Việt Nam, thời gian giao hàng chắc chắn là một vấn đề không thể không nhắc đến. Theo khảo sát, thời gian giao hàng là một trong ba mối quan tâm hàng đầu của phần lớn người mua hàng qua các nền tảng thương mại điện tử, bên cạnh hai yếu tố khác chính là chất lượng hàng hóa và giá cả hàng hóa. Từ đó, có thể thấy sự đánh giá của khách hàng về một trang bán hàng cũng ảnh hưởng không ít đến thời gian giao hàng. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ ở đây chính là đơn vị giao hàng. Thông thường, phần lớn các thương hiệu có mặt trên một nền tảng thương mại điện tử đều hợp tác với đơn vị hàng của nền tảng đó, và theo đó, thời gian giao hàng không còn được quyết định hoàn toàn bởi thương hiệu bán hàng.
4. Vấn đề bảo mật
Vấn đề bảo mật thông tin luôn là nỗi lo lắng của người mua hàng qua các nền tảng trực tuyến, nhưng không chỉ người mua, nếu những doanh nghiệp vừa và nhỏ không quá chú trọng về vấn đề này, tình trạng lộ thông tin vẫn có thể xảy ra. Bảo mật thông tin không tốt cũng khiến doanh nghiệp thất thoát tiền và hơn hết là lòng tin của khách hàng. Hiện nay, việc bảo mật tại nhiều trang web ở nước ta còn lỏng lẻo và nhiều hạn chế nên rất cần được khắc phục để theo kịp sự phát triển không ngừng của thế giới.
Có lẽ, nếu muốn đạt được thành công, doanh nghiệp Việt Nam không thể không đối mặt với những thách thức của thương mại điện tử như đã nêu trên. Do đó, để phát triển đường dài, các doanh nghiệp cần khắc phục những thách thức này và nắm bắt cơ hội tốt hơn nữa.