Để doanh nghiệp thương mại điện tử có thể đạt được thành công về đường dài, việc sở hữu lợi thế nổi bật để cạnh tranh với các đối thủ khác là rất quan trọng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thường chú trọng đến nhiều yếu tố mang lại cái lợi trước mắt nhưng khó đi được lâu dài. Do đó, doanh nghiệp nên tập trung đảm bảo bốn yếu tố dưới đây để tạo lập được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả.

1. Sản phẩm chất lượng cùng tỷ suất lợi nhuận cao

Dù kinh doanh lĩnh vực nào, sản phẩm sẽ luôn là thành phần quan trọng hàng đầu để quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm trước khi đến tay khách hàng. Hiện nay, trên các nền tảng thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng không còn quá xa lạ, điều này khiến khách hàng vô cùng nhạy cảm với vấn đề chất lượng của sản phẩm. Do đó, để có thể có được ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ khác, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm mà mình đem đến cho người mua. 

Theo nhiều khảo sát trong lĩnh vực thương mại điện tử, người mua thường có xu hướng sử dụng sản phẩm của một công ty trong thời gian dài nếu họ có ấn tượng tốt về chất lượng sản phẩm mà họ mua lần đầu tiên. Điều này cho thấy, để có thể gây dựng lợi thế cạnh tranh nổi bật trên thị trường và hướng đến lợi nhuận dài lâu, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố doanh nghiệp không thể lơ là. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư và số vốn phù hợp để hướng đến mục tiêu tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao, không đến đầu tư quá mức so với quy mô và chất lượng sản phẩm hướng đến, vừa gây ra sự lãng phí vừa khó có thể tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu.

2. Dịch vụ khách hàng tốt

Nếu đặt mình vào tư cách người mua hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử có thể dễ dàng nhận thấy dịch vụ khách hàng là một trong những yếu tố đầu tiên mà khách hàng dùng để đánh giá một thương hiệu. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp khách hàng sẵn sàng từ bỏ sản phẩm của doanh nghiệp A vì họ cảm thấy được sự tôn trọng lớn hơn từ doanh nghiệp B, dù sản phẩm của doanh nghiệp A có chất lượng tốt hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể thấy, dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ đóng vai trò quan trọng, mà nó còn là một yếu tố mang tính quyết định sự lựa chọn của khách hàng, hãy luôn đảm bảo tất cả nhân viên đều được huấn luyện bài bản trước khi tiếp cận đến những người mua hàng đầu tiên. Tư vấn sản phẩm, chính sách đổi trả hàng hay thái  độ nhân viên đều là các yếu tố cần lưu ý trong khâu chăm sóc khách hàng để đảm bảo lòng tin lâu dài từ họ.

3. Giá cả phù hợp

Khi nhắc đến ưu thế cạnh tranh thương mại điện tử, sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn nếu bỏ qua vấn đề giá cả. Trên những nền tảng thương mại điện tử phổ biến, tiêu biểu như Shopee và Lazada, khi tìm kiếm một sản phẩm bất kỳ, người mua có thể nhận được hàng chục, hàng trăm đến hàng ngàn kết quả với giá cả khác nhau. Đương nhiên những sản phẩm giá rẻ vẫn có sức hút rất lớn, nhưng đây vẫn là một con dao hai lưỡi, vì giá cả quá rẻ vẫn sẽ gây ra cảm giác nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp không nên vì thu hút khách hàng trước mắt mà cung cấp sản phẩm với giá rẻ, thay vào đó, một mức giá phù hợp với chất lượng vẫn sẽ chiếm được sự tin dùng của khách hàng về lâu dài. Doanh nghiệp cần cân nhắc cẩn thận khi định giá các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của mình.

4. Tạo dựng lòng tin thương hiệu

Để giữ chân khách hàng lâu dài và biến họ trở thành những khách hàng thân thiết với doanh nghiệp, việc gây dựng lòng tin thương hiệu luôn là mục tiêu quan trọng cần hướng đến. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nhắm đến sự toàn diện trong chất lượng sản phẩm, bình ổn giá cả cũng như quy trình chăm sóc khách hàng, giúp giành được lòng tin của họ từ những đối thủ khác trên thị trường. Ngoài ra, việc thêm vào các video dùng thử sản phẩm cũng giúp tăng sự tin tưởng cho khách hàng.

Trên đây là những yếu tố cơ bản để gây dựng ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Doanh nghiệp hãy tham khảo và áp dụng sao cho phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình để thu về hiệu quả tốt nhất nhé!