Trong các năm gần đây, các thương hiệu lớn đã có một sự thay đổi đáng kể trong cách đánh giá và tinh chỉnh chỉ số tiếp thị qua các chiến dịch Email Marketing. Cho dù mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng đến là gì thì điều quan trọng chính là bạn cần phải xác định được các chỉ số có ý nghĩa cho tiến trình đạt được mục tiêu đó.
Nhiều chuyên gia về Email Marketing thường ít chú trọng đến tổng số người đã đăng ký hay danh sách email được thu thập mà thay vào đó, họ ưu tiên các số liệu như phân bổ doanh thu (revenue attribution) và engagement levels để thấy được mức độ tương tác của khách hàng.
Vậy lý do vì sao lại làm như vậy? Cùng tìm hiểu sự khác biệt về các con số cũng như cách đo lường hiệu quả của các chiến dịch Email Marketing trong bài viết sau.
Sự Khác Biệt Giữa Số Liệu Email Phù Phiếm Và Chỉ Số Đo Lường Hành Động
Vanity Email Metric – số liệu “phù phiếm” là gì?
Số liệu phù hiếm (hay còn gọi là các chỉ số ảo) cho biết hiệu quả chiến dịch marketing không chuyển đổi, đồng thời chúng cũng không giúp bạn đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn của mình.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng các số liệu phù phiếm để thể hiện bản thân một cách tích cực và tạo ra vẻ ngoài “lấp lánh” cho sự tăng trưởng. Mặt khác, các số liệu phù phiếm không phải là một chỉ số thực sự về sự tăng trưởng và chỉ gây ấn tượng với những người chưa thực sự biết về nó.
Nếu sử dụng không đúng cách, việc dựa vào dữ liệu này có thể làm tình hình tồi tệ hơn thay vì cải thiện nó bằng cách thổi phồng ấn tượng chung về những gì đang xảy ra.
Ví dụ: 10.000 tài khoản đã đăng ký thoạt nghe có vẻ ấn tượng, nhưng nếu chỉ có 100 người dùng hoạt động mỗi tháng, con số này dường như không còn ý nghĩa bởi tỷ lệ chuyển đổi khá thấp. Mặc dù vậy, nếu người dùng hoạt động hàng tháng không được phân tích chính xác, họ có thể trở thành một thước đo phù phiếm khác.
Các số liệu phù phiếm bị “chỉ trích” nặng nề vì những lý do sau:
- Quá đơn giản để đo lường, bỏ qua nhiều những bối cảnh hoặc yếu tố liên quan.
- Thường gây hiểu lầm và không giúp bạn đạt được mục tiêu cụ thể nếu không phân tích rõ ràng.
Actionable Email Metric – chỉ số đo lường hành động là gì?
Actionable email metric được sử dụng để đo lường mức độ thành công của chiến dịch tiếp thị qua email. Các số liệu email đo lường hành động phổ biến bao gồm tỷ lệ mở (opent rate), tỷ lệ nhấp (CTR), tỷ lệ hủy đăng ký và mức tăng trưởng danh sách thu thập.
Các số liệu này cung cấp thông tin chi tiết về mức độ hiệu quả của chiến dịch email trong việc thu hút khách hàng và thúc đẩy họ thực hiện hành động mong muốn.
Ví dụ: Một công ty có thể đo lường tỷ lệ mở để xem có bao nhiêu người đang mở email hoặc tỷ lệ nhấp để đánh giá mức độ hiệu quả của nội dung. Bằng cách theo dõi các số liệu này, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về hiệu suất của các chiến dịch email đồng thời thực hiện các điều chỉnh sao cho phù hợp.
Bài học: Alexa Kilroy, Trưởng bộ phận thương hiệu tại Triple Whale cho biết: “Thật không công bằng khi nói rằng bất kỳ số liệu cụ thể nào cũng luôn là số liệu phù phiếm. Nhưng nếu bạn không phân tích một cách có ý nghĩa các số liệu về tỷ lệ mở, tỷ lệ hủy đăng ký và tỷ lệ nhấp song song với các mục tiêu của bạn cho phân khúc đó, cho luồng đó, chúng sẽ trở thành những thước đo phù phiếm”.
Cách Đo Lường Số Liệu Tiếp Thị Qua Email
1. Tỷ lệ nhấp chuột (CTR)
Tỷ lệ nhấp (Click-through Rate, viết tắt là CTR) đề cập đến tỷ lệ người nhận email nhấp vào liên kết có trong email. Các nhà tiếp thị qua email sử dụng CTR để đo mức độ tương tác mà email của họ nhận được. Nó cho thấy khả năng cao có thể tạo ra đơn hàng, tuy nhiên vẫn chưa thể đảm bảo chắc chắn được.
Công thức tính CTR
Ví dụ: Nếu bạn đã gửi email tới 110 người nhưng chỉ có 100 người được gửi thành công, 35 người trong số đó đã nhấp vào lời kêu gọi hành động (CTA) của bạn và được chuyển hướng đến một trang đích mới.
CTR của bạn sẽ được tính như sau: CTR = 35/100 x 100 = 35%.
Tỷ lệ nhấp/mở (CTOR)
Tỷ lệ nhấp/mở (Click-to-open rate) đo lường số lượng email được mở, cho biết người nhận đã nhấp vào một liên kết trong email. Số liệu này khác với tỷ lệ nhấp (CTR) nó đo lường phần trăm số người đã nhấp vào bất kỳ liên kết cụ thể nào trong email và đọc chúng.
Tỷ lệ nhấp (CTR) tốt được thể hiện như thế nào?
Tỷ lệ nhấp (CTR) phù hợp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến lĩnh vực, ngân sách, mục tiêu chiến dịch và quy mô đối tượng. Dựa trên dữ liệu gần đây (theo Klaviyo), CTR trung bình cho các chiến dịch email là 1,51% và cho tự động hóa là 5,83%. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những con số này thay đổi tùy theo ngành và loại email được triển khai.
Cách cải thiện tỷ lệ nhấp
- Dọn dẹp danh sách email của bạn
Việc có một danh sách email luôn được cập nhật là chìa khóa để cải thiện tỷ lệ nhấp của bạn. Các email lỗi thời trong danh sách của bạn có thể làm giảm khả năng gửi và hiệu suất tương tác với khách hàng. Điều này dẫn đến sẽ có ít người nhận được email của bạn hơn và ít người quan tâm đến việc thực hiện hành động sau khi nhấp vào chúng.
Để dọn dẹp sạch danh sách của bạn, hãy bắt đầu bằng cách xóa các email trùng lặp cũng như bất kỳ địa chỉ nào được đánh dấu là không hợp lệ hoặc bị trả lại.
- Tạo tiêu đề email (subject line) thật ấn tượng
Dòng tiêu đề của email là điều đầu tiên người nhận nhìn thấy khi họ mở hộp thư đến. Vì vậy cần đảm bảo tạo các dòng chủ đề thu hút sự chú ý và mô tả chính xác nội dung trong email một cách thật ngắn gọn.
Để tối ưu hóa tỷ lệ nhấp, các dòng chủ đề phải rõ ràng, ngắn gọn và mang lại lợi ích cho người đọc. Bạn có thể thử nhiều dòng tiêu đề khác nhau để kiểm tra xem người nhận phản hồi như thế nào, sau đó điều chỉnh cho phù hợp.
- Tạo CTA nổi bật
Kêu gọi hành động (CTA) là một yếu tố quan trọng của bất kỳ chiến dịch email nào vì nó khuyến khích mọi người thực hiện sau khi đọc nội dung của thư. Đảm bảo các nút CTA của bạn vượt qua “bài kiểm tra nheo mắt” (squint test) – điều này có nghĩa là chúng sẽ hiển thị ngay cả khi ai đó nheo mắt nhìn chúng từ xa.
Nhiều chuyên gia khuyến khích bạn nên sử dụng màu tương phản và cỡ chữ đậm để đảm bảo người đọc có thể dễ dàng click vào CTA được tạo. Ngoài ra, hãy giữ cho các CTA nhất quán trên tất cả các email để người nhận có thể dễ dàng hình dung ra những gì họ cần làm.
- Tạo email được cá nhân hóa theo tỷ lệ
Email tự động, còn được gọi là tự động hóa tiếp thị qua email, đề cập đến việc gửi thư đến một nhóm lớn người dựa trên hành vi trực tuyến của họ, chẳng hạn như đăng ký danh sách gửi thư hoặc mời truy cập trang web. Vì những email này được cá nhân hóa dựa trên hành động của người nhận nên chúng có xu hướng nhận được nhiều lượt nhấp chuột hơn so với các email chung chung.
Chẳng hạn, email chào mừng đã được phát hiện là hoạt động tốt hơn bốn lần về tỷ lệ nhấp chuột và tốt hơn hai mươi ba lần về tỷ lệ chuyển đổi so với các chiến dịch email không tự động.
2. Số liệu “active on site” (hoạt động trên trang web)
Cách sử dụng “active on site”
Mặc dù tỷ lệ nhấp (CTR) giúp doanh nghiệp bắt đầu có thể đánh giá mức độ tương tác, nhưng số liệu “hoạt động trên trang web” cung cấp bức tranh chi tiết hơn về sở thích đối với sản phẩm và ý định mua của khách hàng.
Bằng cách theo dõi chỉ số này, bạn có thể quan sát các hành động được thực hiện bởi người truy cập, bao gồm lượng thời gian họ dành cho trang web, các trang họ duyệt và nội dung trong giỏ hàng của họ.
Bằng cách tận dụng dữ liệu hoạt động của trang web, bạn có thể điều chỉnh phương pháp tiếp thị qua email để cộng hưởng tốt hơn với khách hàng mình.
- Xác định trang nào trên website đang nhận được nhiều tương tác nhất.
- Sử dụng thông tin này để phân loại danh sách email của bạn theo sở thích và mức độ tương tác của người nhận.
Cách đo lường tỷ lệ “active on site” tốt
Lượt truy cập trang web càng tăng thì số liệu “hoạt động trên trang web” có giá trị càng lớn. Ví dụ: nếu người nhận của bạn truy cập trang web của bạn hàng tuần, đây có thể xem là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp. Bạn cần đảm bảo trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa để tăng khả năng dẫn đến việc mua hàng.
Cách cải thiện tỷ lệ “active on site”
- Phân loại danh sách của bạn
Việc cải thiện số liệu “active on site” có khả năng tạo ra nhiều thách thức vì trước hết bạn cần phân loại danh sách email thông qua việc thấu hiểu các tương tác, hành động của khách hàng đối với trang web.
Một trong những cách để bắt đầu nhanh chóng là sử dụng thông tin nhân khẩu học mà bạn có được từ những người đăng ký (liên quan đến thương hiệu) để tạo phân khúc cơ bản. Khi bạn tiến hành thử nghiệm A/B để tinh chỉnh chiến lược tiếp thị qua email của mình, bạn sẽ nhận thấy lưu lượng truy cập trang web vô cùng ý nghĩa cho việc phân đoạn tệp khách hàng dựa trên hành vi của họ.
- Tạo nội dung tương tác
Việc triển khai nội dung tiếp cận khách hàng một cách đa dạng bao gồm các câu đố, cuộc thăm dò ý kiến hay mini game vào chiến lược tiếp thị có thể mang lại một số lợi ích cho doanh nghiệp.
- Giữ khách hàng ở lại trang web lâu nhất có thể.
- Đẩy nhanh quá trình tìm hiểu hành vi của những người đăng ký và chia chúng thành các danh sách email cụ thể, phù hợp cho từng mục tiêu.
- Bằng cách sử dụng các nội dung mang tính tương tác, bạn có thể thiết kế các chương trình khuyến mãi thu hút phần lớn khách hàng của mình.
- Cải thiện trải nghiệm trang web
Trải nghiệm người dùng trên website đóng vai trò rất quan trọng, kích thích sự hứng thú cũng như tạo cảm giác thoải mái khi mua hàng. Vì vậy, trang web của bạn cần phải cung cấp giao diện rõ ràng và thân thiện, tương tự như cách một cửa hàng chào đón khách hàng của họ.
Để đạt được điều này, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng trang web của bạn đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng sử dụng cơ bản, chẳng hạn như:
- Đề xuất các sản phẩm tương tự trên trang mô tả sản phẩm
- Tạo nhiều danh mục sản phẩm, bao gồm cả BST cho những sản phẩm bán chạy nhất
- Đầu từ vào việc xây dựng nội dung mô tả sản phẩm một cách chi tiết
- Đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận và truy cập (đặc biệt đối với thiết bị di động)
- Tốc độ tải trang nhanh chóng (đặc biệt trên thiết bị di động)
3. Tỷ lệ chuyển đổi
Tỷ lệ chuyển đổi email đề cập đến tỷ lệ người nhận đã nhấp vào liên kết trong email và thực hiện một hành động cụ thể chẳng hạn như mua sản phẩm hoặc hoàn thành biểu mẫu dành cho khách hàng tiềm năng.
Tỷ lệ chuyển đổi tốt là gì?
Tỷ lệ chuyển đổi trung bình cho các chiến dịch email là 0,1%, trong khi đối với email tự động là 1,82% (theo dữ liệu gần đây nhất của Klaviyo). Tuy nhiên, các tỷ lệ này có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành và loại email được sử dụng.
Cách đo lường tỷ lệ chuyển đổi so với các chỉ số khác
Đạt được tỷ lệ chuyển đổi cao cho các chiến dịch email là điều mà các doanh nghiệp luôn ao ước, nhưng còn tuyệt vời hơn khi việc đầu tư mang đến chi phí thấp và tạo ra lợi nhuận.
Do đó, khi đánh giá tỷ lệ chuyển đổi của bạn, điều quan trọng là phải xem xét doanh thu đạt được trên đầu người và lợi tức đầu tư (ROI). Doanh thu trên đầu người giúp xác định giá trị của tỷ lệ chuyển đổi, trong khi đó lợi tức đầu tư (ROI) cho biết chi phí phát sinh cho mỗi chuyển đổi so với số tiền được tạo ra.
Cách cải thiện tỷ lệ chuyển đổi
Để nâng cao tỷ lệ chuyển đổi của mình, bạn có thể sử dụng các kỹ thuật tương tự được sử dụng để cải thiện hoạt động của trang web. Tuy nhiên, đối với các chiến dịch email, bạn cũng cần tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm mua hàng trực tuyến. Sau đây là một số cách để thực hiện điều này:
- Cắt giảm các giai đoạn không cần thiết để giúp việc mua hàng được diễn ra nhanh chóng.
- Cung cấp nhiều phương thức thanh toán khác nhau.
- Cung cấp thông tin chuyên sâu về sản phẩm, chẳng hạn như thông số kỹ thuật của sản phẩm, đánh giá của khách hàng, feedback của khách hàng khác và hình ảnh chất lượng cao.
- Kết hợp hỗ trợ tư vấn trực tiếp.
- Đảm bảo trang web của bạn được tối ưu hóa cho thiết bị di động.
4.Doanh thu trên mỗi người nhận (RPR)
Số liệu về Doanh thu trên mỗi người nhận (revenue per recipient, viết tắt là RPR) cho biết một người nhận email có thể mang lại giá trị bao nhiêu về mặt doanh thu. Việc tính RPR dễ hơn so với ROI vì lợi tức đầu tư đòi hỏi khá nhiều kiến thức về các chi phí.
RPR là một công cụ hiệu quả để đánh giá hiệu quả của chiến lược tiếp thị qua email. Nó xác định xem phân khúc khách hàng của bạn có chính xác hay không.
Thế nào là một chỉ số RPR tốt?
Không có định nghĩa tiêu chuẩn cho RPR “tốt”. Các thương hiệu có sản phẩm giá cao có thể có điểm chuẩn RPR cao hơn, trong khi các thương hiệu có sản phẩm giá rẻ có thể có điểm chuẩn thấp hơn.
Dữ liệu mới nhất của Klaviyo chỉ ra rằng RPR trung bình là 0,12 đô la cho các chiến dịch email và 1,91 đô la cho các email tự động hóa, những điều này thay đổi tùy thuộc vào ngành hàng và loại email tiếp thị.
Cách đo lường RPR
Không nên gửi email đến toàn bộ danh sách bạn đang có vì nó có thể gây hại cho RPR của bạn. Đôi khi, càng ít lại càng hiệu quả. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi hiệu quả của email và RPR ngay khi email của bạn bắt đầu tạo doanh thu.
Việc theo dõi tỷ lệ hủy đăng ký cùng với RPR cũng rất cần thiết. Nếu tỷ lệ hủy đăng ký của bạn tăng lên trong khi RPR của bạn giảm xuống, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần làm sạch và phân loại lại danh sách email của mình.
Cách cải thiện RPR
Việc cải thiện RPR, giống như cải thiện CTR, liên quan đến việc làm cho chiến lược tiếp thị qua email của bạn có mục tiêu hơn bằng cách sử dụng dữ liệu khách hàng và phân khúc chúng.
Dữ liệu khách hàng, trên hết chính là dựa trên hành vi của họ, chẳng hạn như hoạt động trên trang web (active on site), xu hướng mua hàng, tương tác với email và SMS cũng như tương tác với dịch vụ khách hàng hiện có.
Dữ liệu này có thể giúp bạn phân loại danh sách email theo các nhóm cụ thể, chẳng hạn như những người đã mua hàng, khách hàng VIP, người đã từng hoạt động trên trang web, người đã thêm vào giỏ hàng và người tham dự sự kiện…
Phân khúc có thể giúp đặt kỳ vọng cho RPR trong mỗi nhóm, vì các phân khúc khác nhau có thể có điểm chuẩn RPR khác nhau. Ví dụ: những người mua hàng giảm giá có thể có RPR ban đầu thấp hơn, nhưng có thể trở nên trung thành hơn theo thời gian và tạo ra nhiều doanh thu hơn trong thời gian dài.
5. Khả năng gửi Email (Deliverability Rates)
Deliverability rates cho biết tỷ lệ số email đã tiếp cận thành công người nhận.
Không phải mọi email bạn gửi đều sẽ hoàn toàn được nhận, vì một số email có thể bị trả lại hoặc được cho vào trong thư mục thư rác.
Khi bạn quan sát thấy khả năng gửi mail thấp, thường là do:
Email bị trả lại (Email Bounces)
Có hai loại thư bị trả lại: hard bounces và soft bounces.
- Hard bounces xảy ra khi không thể gửi email do địa chỉ email không hợp lệ hoặc bị đánh dấu là thư rác.
- Soft bounces xảy ra khi không thể gửi email vì lý do tạm thời như hộp thư đến của người nhận đã đầy.
Khiếu nại thư rác
Khiếu nại thư rác là hành động khi người nhận dán nhãn email của bạn là thư rác. Các nền tảng cung cấp dịch vụ email đánh dấu những email nhận được nhiều khiếu nại về thư rác là những email chất lượng thấp. Do đó, uy tín của người gửi (doanh nghiệp) bị ảnh hưởng tiêu cực và email của họ có nhiều khả năng sẽ bị đưa vào thư mục thư rác trong tương lai.
Khả năng gửi Email tốt là gì?
Khi đánh giá khả năng gửi, bạn đang đánh giá nhiều số liệu cùng nhau, bao gồm tỷ lệ mở, tỷ lệ nhấp, tỷ lệ thoát email, tỷ lệ hủy đăng ký và tỷ lệ khiếu nại thư rác.
Cách cải thiện khả năng gửi email
- Làm sạch danh sách của bạn thường xuyên
Các thương hiệu thành công thường ưu tiên chất lượng của danh sách email hơn là tập trung vào số lượng đã thu thập được. Nếu một người đăng ký đã nhận email trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mà không để lại bất kỳ sự tương tác nào, thì nên xóa họ khỏi danh sách bằng chiến lược sunsetting.
- Phát triển chiến lược sunsetting
Sunsetting strategy đề cập đến những nỗ lực mà doanh nghiệp cần thực hiện để giúp những người chưa thực hiện bất kỳ tương tác nào (inactive subscribers) quay trở lại với mình, thông qua các ưu đãi đặc biệt hoặc nhiều chương trình hấp dẫn khác.
Nếu những nỗ lực này không đạt hiệu quả, bạn nên xóa họ ra khỏi danh sách email của mình để ngăn việc nhận được khiếu nại thư rác.
- Sử dụng tùy chọn tham gia kép
Tùy chọn tham gia kép là phương pháp giúp những thành viên mới đăng ký có quyền xác minh đăng ký của họ một lần nữa trước khi được thêm vào danh sách của bạn. Cách tiếp cận này tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nhận. Đồng thời cho thấy rằng họ thực sự quan tâm đến việc nhận nội dung email của bạn.
- Để cho việc hủy đăng ký dễ dàng hơn
Mặc dù đây là điều không có bất kỳ doanh nghiệp nào muốn xảy ra, nhưng việc giúp người đăng ký hủy đăng ký một cách đơn giản sẽ giảm khả năng nhận được khiếu nại về thư rác.
Hơn nữa, bạn có thể cung cấp cho họ các lựa chọn về việc giảm tần suất gửi email thay vì hủy đăng ký ngay lập tức. Điều này sẽ vô cùng có lợi trong việc lên lịch trình cho email.
- Cá nhân hóa nội dung gửi
Các email có nội dung cá nhân hóa theo hành vi của người dùng cũng là phương pháp được sử dụng phổ biến, bởi nó giúp tăng tỷ lệ tiếp cận đến người nhận.
6. Tỷ lệ hủy đăng ký
Tỷ lệ hủy đăng ký cho biết số lượng cá nhân đã từ chối hoặc hủy đăng ký khỏi danh sách sau khi nhận được email của bạn.
Thế nào là tỷ lệ hủy đăng ký có thể chấp nhận được?
Dữ liệu của Klaviyo cho thấy rằng nếu tỷ lệ hủy đăng ký của bạn dưới 0,2% thì bạn đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, tỷ lệ hủy đăng ký lên tới 0,3% vẫn được coi là chấp nhận được.
Cách đo lường tỷ lệ hủy đăng ký
Trước khi trở nên quá lo lắng về tỷ lệ hủy đăng ký cao, điều quan trọng là phải so sánh nó với tốc độ tăng trưởng danh sách email.
Farge – Phó giám đốc tiếp thị qua Email tại The Stable khuyên rằng tỷ lệ hủy đăng ký cao hơn có thể chỉ ra một số điều. Chẳng hạn, điều đó có thể cho biết rằng bạn đã không xác định rõ ràng những kỳ vọng của mình; nhưng cũng có thể mang ý nghĩa rằng bạn đã lạm dụng các ưu đãi, chương trình miễn phí để thu hút họ, dẫn đến rất nhiều người hủy đăng ký sau khi sự kiện kết thúc.
Cách cải thiện tỷ lệ hủy đăng ký
Để nâng cao tỷ lệ mọi người hủy đăng ký nhận email, sẽ có lợi khi kiểm tra các cách cải thiện tỷ lệ nhấp và khả năng gửi email. Các nguyên tắc giống hệt nhau được áp dụng trong cả hai trường hợp.
7. Tỷ lệ tăng trưởng danh sách Email
Tỷ lệ tăng trưởng danh sách (list growth rate) cho thấy mức độ nhanh chóng trong việc bạn có được những người đăng ký mới. Đây có thể là một số liệu khó đánh giá, vì nó có vẻ ấn tượng nhưng cuối cùng lại thiếu giá trị nếu những người này không tương tác với nội dung của bạn. Do đó, tốc độ tăng trưởng danh sách cao chỉ có ý nghĩa nếu nó đi kèm với mức độ tương tác cao.
Cách tính tỷ lệ tăng trưởng danh sách
Để xác định tốc độ tăng danh sách, bạn cần lấy số lượng người đăng ký mới có được trong cùng một khung thời gian trừ đi số lượng cá nhân đã hủy đăng ký khỏi danh sách gửi thư của bạn trong một khoảng thời gian cụ thể. Sau đó, chia kết quả cho tổng số người đã nhận email từ danh sách đó và nhân kết quả với 100.
Thế nào là tỷ lệ tăng trưởng danh sách tốt?
Vì tốc độ tăng trưởng danh sách đang bị ảnh hưởng bởi nhiều số liệu khác nên nó gây ra nhiều khó khăn cho việc thiết lập một tiêu chuẩn cần thiết.
Mặc dù một số tổ chức coi tốc độ tăng trưởng 2,5% là thỏa đáng, nhưng hiệu quả của số liệu này chỉ có ý nghĩa khi xem xét trong phạm vi của tỷ lệ nhấp và tỷ lệ chuyển đổi. Cuối cùng, sự thành công của tỷ lệ tăng trưởng danh sách của bạn phụ thuộc vào sự thành công của các chỉ số này.
Cách đo lường tỷ lệ tăng trưởng danh sách
Đối với Email Marketing, chất lượng người đăng ký quan trọng hơn số lượng. Tỷ lệ tăng danh sách không phải là yếu tố thành công của một chiến dịch tiếp thị email nếu không có các số liệu quan trọng khác, chẳng hạn như tỷ lệ nhấp, tỷ lệ chuyển đổi, khả năng gửi email và lợi tức đầu tư (ROI) đang thể hiện tốt.
Cách cải thiện tốc độ tăng trưởng danh sách
- Ghép đôi với một hình thức đăng ký với giảm giá
Phương pháp phổ biến nhất để thu thập địa chỉ email là sử dụng biểu mẫu đăng ký trên trang web của bạn. Mặc dù bạn có thể không cung cấp các chương trình khuyến mãi để khuyến khích mọi người đăng ký, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng những người đăng ký bằng biểu mẫu có cung cấp giảm giá có khả năng thực hiện giao dịch mua hàng cao hơn 190% so với những người không nhận được bất kỳ khoản giảm giá nào.
- Hợp tác với thương hiệu khác
Doanh nghiệp có thể cộng tác với một thương hiệu lớn hơn để giúp tăng phạm vi tiếp cận của mình. Giải pháp là bạn nên tìm kiếm những thương hiệu không cạnh tranh với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình nhưng họ cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung.
Để khuyến khích đăng ký, bạn có thể lựa chọn đề xuất các phần quà, quảng bá thông qua phương tiện truyền thông xã hội, hoặc đồng sáng tạo sản phẩm với những thương hiệu này.
- Tận dụng dịch vụ referral
Nếu công ty của bạn có chương trình khách hàng thân thiết, hãy tận dụng nó để mở rộng danh sách email của mình. Bằng cách cung cấp các ưu đãi như giảm giá, chế độ ưu tiên cho những sản phẩm mới hoặc sản phẩm độc quyền, hãy khuyến khích khách hàng trung thành của bạn quảng bá để nhanh chóng tăng trưởng danh sách email tiềm năng.
8. Lợi tức đầu tư (ROI)
Trong Email Marketing, ROI được xem là lợi nhuận tài chính bạn nhận được so với số tiền bạn đã đầu tư. Để tính chi phí cho chiến dịch tiếp thị qua email, bạn phải cân nhắc một vài yếu tố khác, bao gồm:
- Chi phí cho nền tảng tiếp thị và tự động hóa email của bạn.
- Chi phí nhân sự (chẳng hạn như content creator, designer, bộ phận phân tích dữ liệu, chuyên gia Marketing,…).
- Các đối tác khác (làm sạch danh sách, thử nghiệm A/B, phân phối, chiến lược,…).
- Mọi chi phí quảng cáo phát sinh để thúc đẩy đăng ký email.
Cách tính lợi tức đầu tư
Thế nào là ROI tốt?
Email Marketing vẫn tạo ra lợi tức đầu tư (ROI) đáng kể so với nhiều kênh tiếp thị khác. Một báo cáo gần đây của Litmus vào năm 2022 nói rằng ROI trung bình cho tiếp thị qua email là $36. Tuy nhiên, con số này tăng lên $45 đối với các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, thương mại điện tử và hàng tiêu dùng.
Kết luận
Để tăng ROI của bạn trong Email Marketing, điều doanh nghiệp nên chú tâm chính là phân tích các số liệu khi chúng liên quan đến nhau thay vì tách biệt. Chỉ riêng một số liệu không thể cải thiện đáng kể ROI cho thương hiệu của bạn. Chẳng hạn, tỷ lệ nhấp chuột cao sẽ không có lợi nếu tỷ lệ chuyển đổi của bạn thấp và tỷ lệ chuyển đổi cao sẽ không hiệu quả nếu doanh thu trên mỗi người nhận (RPR) không đủ cao để sinh lãi.
Bằng cách phân loại danh sách email của bạn, tạo nội dung được cá nhân hóa, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu với nhu cầu của khán giả, bạn có thể cung cấp cho họ những gì họ muốn và trực tiếp cải thiện ROI của mình.