Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, việc tạo ra một website bán hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Shopify cũng là một trong những nền tảng như thế. Do đó, nhu cầu tìm hiểu về nền tảng Shopify cũng như những tính năng của nền tảng này ngày càng tăng. Bài viết này sẽ giúp doanh nghiệp giải đáp những kiến thức cơ bản và hữu ích về Shopify.
1. Shopify là gì?
Khái niệm
Shopify là một nền tảng thương mại điện tử cho phép người dùng tạo website hỗ trợ việc bán hàng online, tích hợp đầy đủ các tính năng như bỏ vào giỏ hàng và thanh toán, xử lý đơn hàng, quản lý hàng hóa… Công cụ này giúp tiết kiệm thời gian và hỗ trợ các tính năng cần thiết. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc kinh doanh.
Ngoài những tính năng chính kể trên, Shopify còn có thể hỗ trợ việc SEO, đăng tải sản phẩm, thống kê cũng như đo lường hiệu quả bán hàng. Không những thế, Shopify còn được thiết kế dành cho những người không chuyên về lập trình nên những ai không có chuyên môn về lĩnh vực này vẫn có thể nghiên cứu và sử dụng. Do đó, nền tảng này không chỉ phù hợp với doanh nghiệp mà còn rất hữu dụng với những người bán nhỏ lẻ.
Đặc điểm
Shopify được nhiều doanh nghiệp tin tưởng vì đây là một nền tảng phổ biến được nhiều người sử dụng, mang đến cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng. Sở hữu một website bán hàng cũng đồng nghĩa với việc có thể tiếp cận với lượng khách hàng không giới hạn. Đặc biệt, Shopify còn có gói giao diện và kho ứng dụng đa dạng, miễn phí để người sử dụng có thể thỏa mái lựa chọn. Ngoài ra, nền tảng cũng sử dụng khá dễ dàng với hướng dẫn rõ ràng và được hỗ trợ 24/7 bởi đội ngũ chăm sóc khách hàng tận tình.
2. Xu hướng kinh doanh trên Shopify
Trên thế giới
Một lập trình viên là Tobias Lutke đã tạo ra Shopify vào năm 2006. Với giao diện đơn giản và dễ dàng sử dụng, nền tảng này đã được 800,000 websites thương mại điện tử sử dụng vào thời điểm tháng 03/2019. Hơn một năm sau, vào tháng 08/2020, Shopify đã có hơn 1,000,000 khách hàng tin tưởng sử dụng, biến Shopify trở thành nền tảng thương mại điện tử số 1 thế giới.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành từng ngày. Hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu bắt đầu tăng cường sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong bối cảnh hạn chế đi lại và các cửa hàng dần bị đóng cửa. Do đó, các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không ngừng đổi mới, chuyển đổi sang hình thức kinh doanh online để có thể tiếp cận được số lượng khách hàng khổng lồ này. Các công ty lớn nhất trên nền tảng Shopify đang từng ngày mở rộng sự đa kênh cũng như cố gắng tương tác với khách hàng của mình. Nền tảng này hiện đang phục vụ đa dạng nhiều ngành hàng khác nhau bao gồm ô tô, y tế, lương thực thực phẩm, sản phẩm thủ công, đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, khóa học online… Hiện nay, Shopify và Shopify Plus đang tiếp tục thu hút các công ty thương mại điện tử nhờ thị phần ngày càng tăng của mình trên toàn cầu.
Tại Việt Nam
Vào ngày 20/02/2021, Shopify ra mắt thị trường Việt Nam với tên miền shopify.net.vn. Tại đây, người dùng có thể xem được toàn bộ nội dung website chính thức cùng giao diện tiếng Việt. Tại Việt Nam, có rất nhiều nhà phát triển ứng dụng Shopify, có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Boost Commerce, Globo Software Solutions, FireApps, GemPages, Judge.me… Kết hợp lại với nhau, họ phục vụ hơn 100,000 người dùng trên nền tảng Shopify với ứng dụng freemium cũng như giải pháp cho từng nhóm đối tượng riêng biệt và các doanh nghiệp sử dụng Shopify Plus.
Việt Nam vốn cũng là quốc gia đã tham gia sân chơi e-commerce toàn cầu trên các nền tảng Magento, WooCommerce, PrestaShop, Joomla… Vì vậy, không có gì lạ khi Shopify cũng được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Gần đây, TikTok đã công bố mở rộng quan hệ hợp tác toàn cầu với Shopify tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác này sẽ mang đến cơ hội cho hàng nghìn nhà bán lẻ trong việc xây dựng và triển khai các chiến dịch trên TikTok thông qua việc tạo ra ứng dụng Tik Tok Channel App ngay trên Shopify App Store.
Hiện nay, khi tình trạng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành thương mại điện tử sẽ càng bùng nổ hơn nên tiềm năng ứng dụng của một nền tảng hỗ trợ như Shopify sẽ là rất lớn.
3. Khi nào nên sử dụng Shopify?
Hiện tại có rất nhiều nền tảng để giúp doanh nghiệp xây dựng website bán hàng nhưng có thể chia làm 3 loại chính:
- Sử dụng các nền tảng với dịch vụ có sẵn như Haravan, Shopify.
- Sử dụng các nền tảng nổi tiếng về thương mại điện tử như Magento, OpenCart.
- Tự phát triển các nền tảng của riêng doanh nghiệp như Lazada, Chotot…
Khi mới bắt đầu tham gia vào thị trường bán hàng online, doanh nghiệp nên chọn Shopify làm nền tảng hỗ trợ cho công việc kinh doanh của mình vì nền tảng này có đầy đủ ưu điểm dành cho những người mới cộng thêm mức phí vô cùng hợp lý.
4. Hướng dẫn xây dựng website trên Shopify cho người mới bắt đầu
Bước 1: Tạo tài khoản trên Shopify
- Sau khi truy cập vào Shopify, chọn dùng thử miễn phí 14 ngày ngay tại trang chủ.
- Nhập thông tin email, mật khẩu, tên cửa hàng và click chọn Create your store.
- Tiếp tục điền thông tin, chọn dòng bất kỳ và click chọn những ô vuông.
- Bổ sung thông tin và chọn Enter my store. Như vậy, doanh nghiệp đã tạo được cửa hàng cho riêng mình.
Bước 2: Đăng ký tên miền cho trang
Tại trang quản trị, chọn Online Store → Domains → Buy New Domain. Sau đó điền tên miền và chọn phần đuôi mở rộng. Sau khi điền, doanh nghiệp nhấn “Check Availability” để kiểm tra xem tên miền này đã có người đăng ký hay chưa.
Nhấn Buy Domain sau đó vào email và xác nhận thông tin. Sau cùng, chọn Domains tại Online Store và chọn ô Redirect all traffic to this domain tại mục Set your primary domain, nhấn Save.
Với trường hợp chọn mua tên miền từ nhà cung cấp khác, tại Online Store chọn Domains → Connect Existing Domain.
Bước 3: Cài đặt giao diện cho cửa hàng
Tại mục Online Store chọn Theme → Explore free themes. Doanh nghiệp có thể xem thử các theme của Shopify, khi ưng ý thì chọn Add to theme library để tải về. Sau khi tải về, chọn Customize để chỉnh sửa theo ý muốn rồi chọn Action → Publish để sử dụng theme này.
Trong giao diện Customize, doanh nghiệp click chuột vào cột trái để thêm và chỉnh sửa màu sắc, font chữ, logo… Sau đó hãy chọn View your Store để xem thử trang.
Bước 4: Cài đặt ngôn ngữ, điều hướng và menu
Cài đặt tiếng Việt bằng cách chọn Action → Edit language.
Tại tab Online Store chọn Navigation để cài đặt tiếp phần điều hướng và thanh menu. Doanh nghiệp chọn tiếp URL Redirects → Create URL Redirects → Save Redirect.
Chọn Add menu để tiếp tục tạo thanh menu. Thêm tên tại mục Title, thêm nút bằng Add menu item.
Bước 5: Đăng bán sản phẩm
Chọn Add product và bắt đầu thêm từng sản phẩm với đầy đủ thông tin, hình ảnh, giá cả. Hoặc chọn tab Products, nhấn Import để dùng file CSV. Doanh nghiệp có thể tải mẫu file về và làm theo.
Bước 6: Thanh toán và giao hàng
Tại Setting chọn Payment Providers để cài đặt các tính năng thanh toán cho khách hàng. Doanh nghiệp chọn tiếp Shipping để thiết lập chức năng và giá thành cho việc vận chuyển. Thêm chi phí ship cho từng khu vực tại Manage Rates.
Bước 7: Thêm các cài đặt khác
Ngoài ra, tại mục Setting, doanh nghiệp còn có thể cài đặt chọn kênh bán hàng. Đừng quên tối ưu khâu quảng bá website tại Online Store Preferences để tăng hiệu quả kinh doanh.
5. Tìm hiểu các nền tảng bán hàng khác
WooCommerce
Đây là một loại plugin mã nguồn mở trên WordPress, giúp hỗ trợ thiết kế website nhằm mục đích bán hàng cho các trang thương mại điện tử. Plugin này đảm bảo tất cả các tính năng cần thiết cho một trang web bán hàng bao gồm giỏ hàng, số lượng hàng, tổng tiền, thanh toán. Xuất hiện từ năm 2011, WooCommerce được tin dùng bởi rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất có thể kể đến là rất dễ dàng cài đặt và sử dụng. Tương tự như Shopify, doanh nghiệp không cần nhân sự là kỹ thuật viên chuyên nghiệp cũng có thể thực hiện được. Thêm vào đó, WooCommerce cũng hoàn toàn miễn phí nên phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Magento
Magento là một ứng dụng mã nguồn mở dùng để xây dựng các website thương mại điện tử, sử dụng ngôn ngữ PHP trên nền tảng Zend Framework. Hiện tại, có 2 phiên bản Magento là Community Edition là bản miễn phí và Enterprise Edition là bản trả phí.
Magento có đến 11 tính năng cơ bản, phục vụ tốt cho lĩnh vực thương mại điện tử bao gồm: Quản lý sản phẩm, danh mục, quản lý tồn kho, thông tin khách hàng, dịch vụ khách hàng, quản lý đặt hàng, thanh toán, công nghệ tìm kiếm, hỗ trợ đa ngôn ngữ và tiền tệ, công cụ hỗ trợ marketing và đánh giá, báo cáo. Magento có tính năng linh hoạt phù hợp với từng loại sản phẩm đồng thời cũng giúp tối ưu trang web để thân thiện với công cụ tìm kiếm.
WIX
WIX hay wix.com là một nền tảng cho phép người dùng tạo một trang web chỉ với thao tác kéo thả. Với nền tảng tích hợp HTML5 này, cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần đăng ký tài khoản là có thể dùng các công cụ sẵn có để thiết kế một website phù hợp. WIX cơ bản là một nền tảng miễn phí với các chức năng cơ bản, tuy nhiên WIX cũng có các tính năng mở rộng như xóa logo, dùng tên miền riêng hay thêm tính năng cho các trang thương mại điện tử. WIX hiện được sử dụng rộng rãi ở 190 quốc gia với hơn 100 triệu người dùng.
OpenCart
Nền tảng này là sự kết hợp giữa WooCommerce và PrestaShop. Nền tảng này thiên về các tính năng thương mại điện tử hơn nên rát phù hợp để dùng hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh này. OpenCart nổi bật là trải nghiệm về quản lý vì đủ các thông tin quan trọng cần thiết. Ưu điểm chính của nền tảng này là dễ sử dụng hơn so với Magento và tích hợp các tính năng SEO.
Nếu thực sự biết cách khai thác và tìm tòi, Shopify thực sự là một nền tảng đầy tiềm năng, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực thương mại điện tử. Với sự phát triển của kinh doanh online, Shopify sẽ là một nền tảng đầy hứa hẹn, mở ra những cơ hội cho những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi hoặc mong muốn phát triển mạnh hơn về thương mại điện tử.