Các công cụ tìm kiếm có ảnh hưởng như Google đã thay đổi thuật toán của họ để ưu tiên nội dung có ích cho người dùng hơn. Do đó, những người làm SEO hiện cũng đang tìm cách tối ưu những nội dung của trang web. Topic clusters (cụm chủ đề) là một nhóm nội dung xoay quanh một chủ đề chính được đề cập trong một trang trụ cột (pillar page) và được liên kết qua lại với nhau. Việc triển khai topic clusters sẽ giúp giữ cho độc giả tiếp tục đọc nội dung trên trang web. 

Ở bài viết trước “Pillar Page Là Gì? Vì Sao Nó Quan Trọng Với Chiến Lược SEO?“, chúng ta đã bàn qua về vai trò của pillar page, trong bài này hãy cùng tìm hiểu về topic clusters và chúng đã thay đổi SEO như thế nào nhé!

Với sự thay đổi của thuật toán Google – ưu tiên xếp hạng content theo chủ đề thay vì theo từ khóa như trước đây, nhiều công ty vẫn đang ra sức tối ưu và cấu hình lại trang web của họ nhằm có thể được hiển thị trên top tìm kiếm. Do đó, các website chú trọng vào nội dung bắt đầu áp dụng các phương pháp SEO theo mô hình mới. Đó chính là pillar page và topic clusters.

Trong đó chủ đề chính (pillar) sẽ đóng vai trò là trung tâm nội dung. Các trang con (clusters) có nội dung liên quan đến nhau và bổ trợ cho chủ đề chính. Theo thời gian, thứ hạng của các trang này sẽ tăng lên nhờ vào chủ đề chính đó. Thực chất, mô hình cụm chủ đề đơn giản chỉ là tổ chức các trang theo các chủ đề rõ ràng và thể hiện đúng mục tiêu.

Hình minh họa Pillar và Clusters của Hubspot

Hình minh họa Pillar và Clusters của Hubspot

Vì sao nên áp dụng topic clusters?

Động lực chính để áp dụng topic clusters chính là sự thay đổi hành vi của người dùng và các công cụ tìm kiếm đã thay đổi thuật toán nhằm đáp ứng những hành vi này, nên doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.

Những năm trước, mọi người thường truy vấn từ khóa ngắn và đơn giản khi cần tìm kiếm thứ gì đó. Nhưng ngày nay, hầu hết sẽ chọn những câu hỏi phức tạp hơn để có được kết quả chính xác và kịp thời. Những ai muốn tìm câu trả lời cụ thể cũng sử dụng nhiều cụm từ khác nhau khi truy vấn thông tin. Hơn thế nữa, các công cụ tìm kiếm giờ đây cũng đủ thông minh để nhận biết sự liên kết của các câu truy vấn. Các thuật toán cũng được phát triển để hiểu ngữ cảnh đứng sau mục đích tìm kiếm, sau đó liên kết với các tìm kiếm tương tự trong quá khứ và cung cấp câu trả lời từ các trang web phù hợp.

Bước chuyển đổi lớn đầu tiên liên quan đến bản cập nhật Hummingbird của Google vào năm 2013. Thuật toán tìm kiếm bắt đầu phân tích các cụm từ thay vì chỉ tập trung vào các từ khóa. Nhiều chuyên gia SEO coi Hummingbird chính là sự chuyển đổi chính thức của Google từ một từ khóa sang một chủ đề.

Bước chuyển quan trọng tiếp theo hướng tới sự phụ thuộc vào các chủ đề đã xảy ra với bản cập nhật RankBrain của Google. RankBrain ra mắt vào năm 2015, là thuật toán máy học của Google được thiết kế để hiểu ngữ cảnh cho các câu truy vấn tìm kiếm. Thuật toán này có khả năng liên kết các tìm kiếm trước đây với các chủ đề tương tự cũng như nhiều từ khóa và cụm từ được kết nối với truy vấn tìm kiếm để tìm ra kết quả tốt nhất. 

Tiếp đến, Google BERT (Bidirectional Encoder Representations from Transformers – Biểu diễn Thể hiện Mã hóa Hai chiều từ Transformer) là một nỗ lực mới của Google vào năm 2019, hướng đến việc hiểu rõ hơn về ngôn ngữ mà người dùng tìm kiếm. Thuật toán BERT giúp người dùng Google tìm thấy thông tin hữu ích và chính xác. Bản cập nhật cho phép Google nắm bắt nhiều sắc thái và ngữ cảnh hơn trong các truy vấn và không dựa quá nhiều vào việc sử dụng các giới từ hoặc cụm từ để làm rõ các câu hỏi.

Sự thay đổi của thuật toán Google qua các năm
Major SEO Updates

Sự thay đổi của thuật toán Google qua các năm

Các topic clusters có thực sự tác động đến thứ hạng tìm kiếm không?

Theo những nghiên cứu của Hubspot, các chủ đề càng liên kết với nhau thì vị trí trên trang kết quả (SERPs) cũng càng cao. Số lần hiển thị (hoặc lượt xem) cũng tăng lên theo số lượng liên kết được tạo như được thể hiện ở hình dưới. 

Biểu đồ thể hiện sự thay đổi thứ hạng trên SERPs
More Interal Links

Biểu đồ thể hiện sự thay đổi thứ hạng trên SERPs

Chính Hubspot cũng đã chuyển sang các cụm chủ đề, URL chính sẽ lưu trữ trang chủ và liên kết đến các tên miền phụ hoặc thư mục con. Khi HubSpot tạo ra nhiều nội dung hơn, các trang blog phát triển nhanh chóng với cấu trúc dàn trải và phức tạp, không có được sự liên kết thống nhất.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư vào nội dung, với hàng chục trang web bao gồm các lĩnh vực chủ đề tương tự. Tất cả các trang này đều phải cạnh tranh với nhau để các công cụ tìm kiếm và cuối cùng là được người dùng tìm thấy. Vì vậy, trang web cần có một sự sắp xếp chu đáo và trật tự hơn, để các công cụ tìm kiếm biết trang nào nên được ưu tiên và hiển thị cho chủ đề chính. Sau đó, tiếp tục sắp xếp tất cả các trang liên quan đến chủ đề đó trong một cụm liên kết với nhau.

Cấu trúc trang web của Hubspot trước đây.

Cấu trúc trang web của Hubspot trước đây. Nguồn: Matt Barby

Hãy nhìn vào sự thay đổi của Hubspot với cụm chủ đề được sắp xếp lại như bên dưới. Trong đó các cụm nội dung của một khu vực chủ đề sẽ liên kết đến một trang trụ cột trung tâm, từ đó giúp phác thảo chủ đề một cách rõ ràng – nhưng rộng rãi hơn. 

Bằng cách liên kết tất cả nội dung thuộc chủ đề đó với một trang trụ cột, các công cụ tìm kiếm như Google, Bing hoặc Yandex có thể dễ dàng quét tất cả nội dung và hiểu được sự liên kết giữa các nội dung này. Thiết lập cụm chủ đề cũng giúp báo hiệu cho các công cụ tìm kiếm rằng nội dung này có chiều sâu, điều này mang lại cho trang trụ cột nhiều quyền hạn hơn về chủ đề. Các thuật toán như RankBrain của Google sẽ ưu tiên vị trí cao cho sự liên kết trật tự này.

 Cấu trúc trang web của Hubspot sau này
Cấu trúc trang web của Hubspot sau này

Vậy là chúng ta đã hiểu hơn về topic clusters và lý do vì sao doanh nghiệp nên đổi mới trang web theo cấu trúc mới này. Ở bài viết kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách triển khai topic clusters hiệu quả để giúp trang web đạt được thứ hạng cao trên trang tìm kiếm của Google. 

Nguồn: Hubspot

Biên dịch: Đội ngũ IMP