Thương mại điện tử có thể hiểu đơn giản là hoạt động mua và bán thông qua sự kết nối internet. Tuy nhiên, thực chất thì có rất nhiều mô hình thương mại điện tử và mỗi mô hình đều có đặc điểm riêng. Hãy cùng tìm hiểu một số mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến hiện nay nhé.
B2B (Business-to-business)
Đây là mô hình thương mại điện tử “từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp”. Các doanh nghiệp này thường có nền tảng thương mại điện tử của riêng mình, thực hiện giao dịch kinh doanh với một doanh nghiệp khác. Mô hình B2B có một quy trình mua hàng riêng biệt, đòi hỏi đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mua hàng cũng chú trọng vào các yếu tố logic như giá cả, tính năng… hơn là những yếu tố cảm xúc.
Ví dụ như MOO, doanh nghiệp này chỉ chuyên cung cấp văn phòng phẩm cho đối tượng là doanh nghiệp, hay doanh nghiệp sản xuất phần mềm bán phần mềm quản lý cho doanh nghiệp khác…
B2C (Business-to-consumer)
Khi nghĩ về một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến phổ biến, hầu hết mọi người đều liên tưởng đến mô hình thương mại điện tử B2C. Mô hình này được sử dụng để mô tả giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng hay cụ thể hơn là các nhà bán lẻ trực tuyến với người tiêu dùng của mình. Thực tế có thể thấy doanh nghiệp B2C có ở khắp mọi nơi, nhưng nếu đo lường thì B2C chỉ chiếm một nửa so với thị trường B2B trên thế giới.
Ví dụ đơn giản về giao dịch B2C là việc mua hàng online trên Shopee, Tiki hay khách hàng đặt phòng khách sạn cho chuyến du lịch của mình.
C2C (Consumer-to-consumer)
Khái niệm C2C có vẻ khá lạ lẫm hơn so với 2 mô hình thương mại điện tử B2B và B2C. Thương mại điện tử người tiêu dùng đến người tiêu dùng diễn ra như thế nào? Thực chất, đây là hình thức kinh doanh giữa cá thể với nhau, mà trong đó, người bán và người mua đều là cá nhân sử dụng phương tiện internet để trao đổi hàng hóa. Thực tế thì C2C đã xuất hiện từ rất lâu, vì trước khi có doanh nghiệp, con người cũng từng trao đổi hàng hóa với nhau, chỉ là nhờ vào điều kiện công nghệ mà hoạt động này diễn ra đơn giản thuận tiện hơn.
Chẳng hạn như giờ đây thông qua eBay, các cá nhân có thể dễ dàng đăng bán sản phẩm cá nhân của mình và đưa ra một mức giá sàn. Những người quan tâm sẽ đấu giá, sản phẩm sẽ thuộc về người đưa ra mức giá cao nhất. Đó chính là một hình thức hoạt động của C2C.
C2B (consumer-to-business)
C2B là mô hình kinh doanh thương mại điện tử thể hiện mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, thông qua việc người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán lại cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như những mô hình đấu giá ngược, thu thập nhu cầu, tệp đánh giá hay những ý tưởng có ích để phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp. Mô hình C2B phát triển tương đối mạnh mẽ trong thời đại 4.0 và mở ra mối quan hệ hai chiều, không chỉ doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa tới người tiêu dùng, mà người tiêu dùng cũng có thể đem lại giá trị cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thuộc mô hình này có thể là bất kỳ công ty nào có nhu cầu mua sản phẩm hay dịch vụ trực tiếp từ các nhân hay thông qua người trung gian. Một blogger nổi tiếng giới thiệu cho một sản phẩm/ dịch vụ hay nhiếp ảnh gia cung cấp hình cho doanh nghiệp cũng là ví dụ điển hình cho mô hình C2B này.
B2G (Business-to-government)
Bên cạnh các mô hình thương mại điện tử phổ biến kể trên thì còn có những mô hình kinh doanh liên quan đến tổ chức chính phủ hay cơ quan công cộng. B2G là hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp và khối hành chính công. Các chính sách mua bán trực tuyến sẽ giúp tăng cường tính minh bạch cho quá trình mua hàng. Ví dụ như doanh nghiệp xây dựng cung cấp thầu cho cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp công nghệ thông tin nhận quản lý phần cứng máy tính hệ thống của thành phố…
C2G (Consumer-to-government)
Vậy còn C2G thì sao? Mô hình này thực chất là việc cá nhân thực hiện giao dịch với cơ quan chính phủ thông qua mạng internet. Nếu doanh nghiệp hay cá nhân nào từng trả phí đỗ xe thông qua ứng dụng trên điện thoại hay nộp thuế/học phí trực tuyến thì đó là một vài ví dụ của mô hình C2G. Bất kỳ khi nào diễn ra hoạt động chuyển tiền cho một cơ quan công cộng qua hệ thống internet thì đó là mô hình thương mại điện tử C2G.
Như vậy, thương mại điện tử không chỉ đơn thuần áp dụng cho hoạt động mua bán giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn đa dạng hơn với nhiều mô hình. Hy vọng qua những chia sẻ trên doanh nghiệp sẽ có được cái nhìn tổng quan hơn về những mô hình thương mại điện tử phổ biến và chọn ra phương hướng phát triển kinh doanh với mô hình thích hợp nhất.