Các loại hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến

Mặc dù dịch bệnh kéo dài đã đem lại rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và hoạt động kinh doanh, nhưng nó cũng làm thay đổi cả thói quen hành vi của người tiêu dùng, minh chứng là các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh. Nếu muốn có bước “chuyển mình” trong thời đại dịch, doanh nghiệp đừng nên bỏ lỡ hướng kinh doanh online qua những loại hình sau đây nhé.

Dropshipping

dropshipping

Với những cá nhân kinh doanh tự do thì Dropshipping là loại hình thương mại điện tử thích hợp để bắt đầu. Mô hình này cho phép gian hàng trực tuyến vận hành mà không cần lưu trữ tồn kho. Thay vào đó, doanh nghiệp hay cá nhân sẽ mua hàng tồn kho của một bên thứ 3 để hoàn thành đơn hàng của mình. Việc của người dùng chỉ là tìm kiếm khách hàng và sau đó, nhà sản xuất sẽ tự gửi hàng đến địa chỉ khách hàng.

Với loại hình thương mại điện tử này, người dùng không cần bỏ ra một chút vốn để trữ hàng hóa, không sợ rủi ro tồn kho cũng như vấn đề vận chuyển. Tuy nhiên, để kinh doanh hiệu quả, cần phải có kế hoạch marketing chuyên nghiệp, độc đáo nếu không sẽ rất dễ rơi vào thế bị động và mất khá nhiều thời gian để tiếp cận khách hàng.

Kinh doanh hàng order

Kinh doanh hàng order

Hiện nay không khó để mua được hàng của Taobao, 1688, Tmall ngay tại Việt Nam thông qua hình thức order. Kinh doanh hàng order là loại hình mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Với hình thức này, người bán không có sẵn hàng hóa trong kho hay cửa hàng mà khi có đơn, họ mới bắt đầu đi nhập hàng về để giao. Nguồn hàng nhập có thể là trong nước hay nước ngoài đều được.

Nếu như trước kia Facebook là “vùng đất màu mỡ” để các cá nhân kinh doanh order, thì ngày nay ứng dụng này không còn là kênh hiệu quả duy nhất cho việc bán hàng. Thay vào đó, Shopee là một nơi mà người kinh doanh có thể thoải mái đăng bán sản phẩm mà không gặp nhiều vấn đề như mạng xã hội. Tuy nhiên, để kinh doanh hiệu quả thì chủ shop cũng cần đầu tư hình ảnh và xây dựng một trang bán thật chuyên nghiệp, chỉn chu.

Kinh doanh hàng customized

Kinh doanh hàng customized

Cách đây một vài năm hàng customized chỉ giới hạn trên một số sản phẩm, chủ yếu là quà tặng hay sản phẩm để tiếp thị. Thế nhưng hiện nay, nhiều người dùng muốn “cá nhân hoá” một sản phẩm bằng thiết kế khác biệt với những sản phẩm còn lại. Hàng customized là bất kỳ sản phẩm nào được thay đổi theo mong muốn và nhu cầu của riêng khách hàng. Đó cũng có thể là các sản phẩm có thiết kế riêng biệt có sẵn trên các phần mềm có sẵn.

Cùng với sự phát triển thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng có được những sản phẩm độc đáo này mà không cần mất quá nhiều công sức. Ngay cả những doanh nghiệp lớn như Nike hiện cũng đang cung cấp những đôi giày customized cho khách hàng và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Do đó, có thể nói, thương mại điện tử là một phương tiện giúp hàng customized trở nên phổ biến.

Tự nhập hàng hóa

Tự nhập hàng hóa

Với những nhà kinh doanh vừa và nhỏ chưa đủ khả năng tự sản xuất thì tự nhập hàng hoá là lựa chọn tối ưu hơn cả. Ngày nay, các nguồn hàng hoá rất đa dạng và phong phú dễ dàng được tìm thấy trên Taobao,1688… Nhà kinh doanh cần nghiên cứu các sản phẩm hợp xu hướng và độc đáo để có thể thu hút được nguồn khách dồi dào. Hạn chế của việc kinh doanh theo loại hình này cần đầu tư nhiều vốn, phải chấp nhận rủi ro về thủ tục quản lý thị trường cũng như các chính sách đổi trả.

Mô hình nhà phân phối

Mô hình nhà phân phối

Trong các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phổ biến hiện nay, thì nhà phân phối là lựa chọn hoàn hảo. Vì khi chọn một thương hiệu có chất lượng trên thị trường, việc phân phối lại sẽ trở nên đơn giản hơn khi bạn có thể tận dụng độ phủ cũng như uy tín mà thương hiệu có sẵn, giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo. Nhà phân phối có thể nhận được cơ hội bán hàng trên những gian hàng chất lượng như Shopee Mall hay Tiki, với sự tin tưởng có sẵn từ khách hàng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối là điều không thể tránh khỏi, người bán cần lưu ý về chính sách giá và chiết khấu thỏa thuận hợp đồng đại lý để có được lợi nhuận tốt nhất.

Mô hình nhà sản xuất

Mô hình nhà sản xuất

Tự kinh doanh sản phẩm do chính doanh nghiệp mình sản xuất, mô hình này thích hợp với những doanh nghiệp có nguồn lực mạnh về tài chính, năng lực quản lý và cả marketing tốt. Mặc dù chi phí đầu tư cao, rủi ro hàng tồn lớn, tuy nhiên sẽ đem lại doanh thu rất lớn nếu thành công. Doanh nghiệp có thể chủ động về giấy tờ hoá đơn, đăng ký thương hiệu và chọn lựa kênh phân phối. Đặc biệt doanh nghiệp còn có thể đưa ra chính sách giá cả tối ưu cho khách hàng của mình. Đây được xem là một trong các hình thức kinh doanh thương mại điện tử cần đầu tư nhiều nhất nhưng mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Mỗi hình thức kinh doanh đều có đặc điểm và hạn chế riêng. Tùy theo điều kiện và mục đích kinh doanh mà doanh nghiệp có thể lựa chọn loại hình thương mại điện tử thích hợp nhất để phát triển hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm thu lại hiệu quả.