6 bước xây dựng chiến lược e-marketing hiệu quả

Vì sao doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược e-marketing (email marketing) hiệu quả? Một chiến lược email marketing hiệu quả không chỉ giúp thương hiệu của doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng, mà còn góp phần cải thiện doanh thu một cách rõ rệt. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để có được một chiến lược e-marketing hiệu quả? Dưới đây là 6 bước để làm điều đó. 

1. Đánh giá tình hình thị trường, đối thủ và khách hàng

Đánh giá tình hình thị trường, đối thủ và khách hàng

Xu hướng tiếp thị của thị trường ngày nay luôn biến động và thay đổi. Nếu muốn duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình, doanh nghiệp cần đánh giá tình hình thị trường trước khi bắt đầu bất cứ chiến dịch tiếp thị nào. Việc đánh giá thị trường sẽ giúp cập nhật và nắm bắt những xu hướng hợp thời, từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc đặt mục tiêu và lên kế hoạch tiếp thị cho các chiến dịch của mình. Bên cạnh đó, điều này còn quản lý được dòng tiền đầu tư, đem đến nhiều cơ hội hơn cho thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp muốn tập trung vào. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đánh giá và phân tích đối thủ cạnh tranh hiện tại, cũng như nhóm khách hàng tiềm năng mà mình hướng đến. Với những dữ liệu thu được từ quá trình đánh giá này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được điểm mạnh, điểm yếu thương hiệu của mình so với đối thủ cạnh tranh, và ngược lại. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nhận ra đâu là xu hướng tiếp thị được người tiêu dùng ưa chuộng và những điều cần tránh để cạnh tranh với đối thủ trên thị trường.

2. Xác định mục tiêu

Xác định mục tiêu

Để xây dựng chiến lược e-marketing chỉn chu, doanh nghiệp cần phải xác định được mục tiêu rõ ràng. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng bước này đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra một chiến lược chi tiết và cụ thể.

Để làm được điều này, doanh nghiệp có thể sử dụng thang tiêu chí SMART.

SMART là một thang tiêu chí rất hữu ích và thường được sử dụng để thiết lập các mục tiêu cho chiến dịch tiếp thị. SMART đưa ra các tiêu chí sau để thiết lập mục tiêu:

S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.

M – Measurable : Có thể đo lường được

A – Attainable : Có thể đạt được

R – Relevant : Thực tế

T – Time-Bound : Khung thời gian hoàn thành

Thế nào là một mục tiêu SMART? Ví dụ, “Đạt được nhiều lượt xem hơn trên website của doanh nghiệp” không phải là một mục tiêu SMART, vì nó không đáp ứng tiêu chí cụ thể và không xác định được khung thời gian hoàn thành. Một ví dụ khác, “Tạo thêm 10% lượt truy cập vào website thông qua việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội X trong hai tháng tới”, đây là một mục tiêu SMART. Tóm lại, khi thiết lập một mục tiêu, doanh nghiệp cần phải nhận định liệu mục tiêu đó đã đáp ứng đủ 5 tiêu chí trên hay chưa. Một mục tiêu thông minh là một mục tiêu chứa thông tin rõ ràng, và đáp ứng được 5 tiêu chí SMART đã đặt ra. 

3. Xác định công cụ marketing

Xác định công cụ marketing

Khi mua hàng, khách hàng luôn mong muốn có được những thông tin cụ thể nhất về sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Việc sử dụng công cụ marketing phù hợp chính là cách tốt nhất để doanh nghiệp truyền đạt thông tin, giá trị sản phẩm/dịch vụ đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, các công cụ marketing cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tương tác và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Có nhiều công cụ marketing khác nhau, nhưng không phải lựa chọn nào cũng có thể áp dụng với toàn bộ chiến dịch. Đơn cử như việc lan tỏa độ nhận diện thương hiệu sẽ phù hợp hơn với nền tảng mạng xã hội. Do đó, doanh nghiệp cần phải tiến hành chọn lọc/tích hợp các công cụ marketing cần thiết nhất để tối đa hiệu quả đạt được cho chiến dịch của mình. 

4. Lên kế hoạch hành động

Lên kế hoạch hành động

Trong quá trình xây dựng chiến lược e-marketing, doanh nghiệp cần hoạch định một kế hoạch hành động rõ ràng và cụ thể với mốc thời gian hoàn thành rõ ràng để giúp doanh nghiệp dễ dàng đo lường và theo dõi hiệu quả của chiến dịch. 

Sau đây là một số hành động cần thiết cho chiến dịch tiếp thị mà doanh nghiệp có thể cần thực hiện:

– Phát triển chiến lược từ khóa: Doanh nghiệp cần xác định các từ khóa quan trọng để cải thiện SEO.

– Thiết lập lịch đăng nội dung: Bước này sẽ cho phép doanh nghiệp vạch định những mục tiêu dài hạn và dễ dàng theo dõi. Lịch đăng nội dung của doanh nghiệp cần cụ thể chi tiết. Mỗi mục nội dung có thể bao gồm những yếu tố sau: tác giả, ngày xuất bản, từ khóa, chủ đề và thẻ bổ sung. Doanh nghiệp nên xác định được ít nhất một mục tiêu e-marketing mỗi tháng. Ví dụ: Bắt đầu từ tháng 1, doanh nghiệp sẽ đăng bài giới thiệu về một chủ đề cụ thể, với tần suất hai tuần một lần, trên blog của mình.

– Đăng bài tăng tương tác trên mạng xã hội: Trước hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu các nội dung đang được quan tâm, nắm bắt xu hướng cụ thể nếu muốn thu hút tương tác từ người dùng. Sau đó, doanh nghiệp hãy sử dụng kết quả từ nghiên cứu để xác định loại nội dung phù hợp và lựa chọn nền tảng mạng xã hội để triển khai. Doanh nghiệp cũng cần cân nhắc tần suất đăng bài trên các mạng xã hội khác nhau, mỗi nền tảng sẽ có một tiêu chuẩn về tần suất đạt hiệu quả tối ưu nhất. 

– Sử dụng nút CTA và đường dẫn liên quan: Với mỗi email tiếp thị, doanh nghiệp cần phải bao gồm nút CTA và đường dẫn liên quan. Hai yếu tố này giúp khách hàng dễ dàng thực hiện hành động mà doanh nghiệp mong muốn. Đồng thời, chúng cũng giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu website hoặc kênh bán hàng của doanh nghiệp mà không cần phải thoát ra và duyệt qua quá nhiều trang web. 

– Sử dụng các công cụ tự động hóa tiếp thị: Khi doanh nghiệp đã vạch định rõ ràng chiến lược phát triển nội dung của mình, các công cụ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian và nguồn lực một cách hiệu quả.

5. Thực hiện và theo dõi

Thực hiện và theo dõi

Sau khi đã có kế hoạch cụ thể, doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện và theo dõi chiến dịch tiếp thị theo các bước đã đề ra. Trong quá trình này, doanh nghiệp vẫn có thể điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu doanh nghiệp nhận thấy chiến lược hiện tại không thu được kết quả như mong đợi, hãy xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến tình huống đó. Tiếp đến, doanh nghiệp cần thay đổi kế hoạch kịp thời sao cho phù hợp, hoặc thực hiện chiến dịch theo một kế hoạch bổ sung để cải thiện kết quả. Ngược lại, nếu chiến lược mà doanh nghiệp vạch ra mang lại kết quả khả quan, doanh nghiệp nên tiếp tục thực hiện theo chiến lược ban đầu, thay vì đổi sang một chiến lược mới với mong muốn đạt được nhiều hiệu quả hơn. Để xây dựng chiến lược e-marketing hiệu quả, một kế hoạch duy nhất không bao giờ là đủ. Do đó, doanh nghiệp nên dự trù các kế hoạch phụ để đối phó với những tình huống không mong muốn xảy ra.

6. Đo lường kết quả

Đo lường kết quả

Doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm phân tích số liệu để theo dõi tiến trình thực hiện chiến dịch. Hầu hết các công cụ hỗ trợ email marketing đều cung cấp được kết quả theo dõi cụ thể ở từng hạng mục khác nhau, điều này rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phân tích kết quả chiến dịch. Từ những kết quả thu thập được, doanh nghiệp có thể vẽ biểu đồ bằng cách sử dụng các công cụ trực quan hóa dữ liệu, giúp so sánh, theo dõi mục tiêu và đánh giá kết quả dễ dàng hơn.

Việc xây dựng chiến lược e-marketing không khó. Nhưng doanh nghiệp cần đầu tư thời gian và nguồn lực hợp lý để chiến dịch tiếp thị đạt được hiệu quả tối đa như mong muốn.