Liệu doanh nghiệp có biết, khi các nhà phân tích đánh giá thành công đường dài của một doanh nghiệp, giá trị vòng đời khách hàng, gọi tắt là CLV, sẽ là một trong những chỉ số quan trọng nhất cần xem xét. Chỉ số CLV càng cao sẽ giúp doanh nghiệp càng đảm bảo hơn trong việc phát triển mạnh mẽ và ổn định trong tương lai. Vậy doanh nghiệp có thể làm gì để tăng chỉ số CLV của mình? Phương thức tiếp thị qua email được cá nhân hóa thực sự có thể tạo ra sự khác biệt lớn theo 5 cách dưới đây.
1. Nghiên cứu số liệu
Thông qua việc tiếp thị qua email dưới sự hỗ trợ của các công cụ trực tuyến tiên tiến, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi các hoạt động mua sắm của khách hàng trên các website của mình. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ được cung cấp một danh sách tổng hợp những mặt hàng mà khách hàng đã xem qua, đã mua hoặc đã có ý định mua nhưng vẫn bị “bỏ rơi” trong giỏ hàng mà không được thanh toán.
Tất cả những thông tin thu thập được đều là nguồn tài nguyên quý giá cho khâu nghiên cứu thị trường và thực hiện chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp. Sử dụng công cụ hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp có thể sử dụng “hệ thống cảnh báo sớm” để theo dõi khách hàng đang quan tâm đến điều gì và thu thập những thông tin liên quan. Nhìn chung, nếu muốn tăng CLV của một khách hàng đơn lẻ, doanh nghiệp cần phải hiểu sự quan tâm của khách hàng đó là gì.
2. Ghi nhớ những lần mua hàng
Đây là giai đoạn cơ bản nhất và quan trọng nhất của quá trình email marketing cá nhân hóa. Bằng cách theo dõi các giao dịch mua hàng, những mặt hàng mà khách hàng đang xem và ghi nhớ những mặt hàng đã được bỏ vào giỏ hàng nhưng không được thanh toán, doanh nghiệp có thể xây dựng được một hồ sơ mua sắm cá nhân cho khách hàng đó. Thông qua email, doanh nghiệp có thể gợi ý cho họ những mặt hàng tương tự như sản phẩm mà họ đã mua, đồng thời thông báo cho họ các thông tin về chương trình khuyến mãi đối với những mặt hàng đó hoặc những mặt hàng họ đã bỏ vào giỏ hàng nhưng chưa thanh toán.
Bước này rất quan trọng để xây dựng tỷ lệ giữ chân khách hàng và tăng CLV vì nó thể hiện sự quan tâm từ doanh nghiệp đến khách hàng. Bằng cách thể hiện rằng doanh nghiệp luôn nhớ những gì họ thích và cam kết thông báo cho họ về những chính sách quan trọng với lợi ích cá nhân của người mua, doanh nghiệp sẽ cho khách hàng thêm một lý do để quay lại thương hiệu của mình thay vì tìm kiếm sản phẩm ở một thương hiệu khác. Đó cũng chính là bí quyết giúp doanh nghiệp tối đa giá trị vòng đời khách hàng.
3. Khai thác hiệu quả dòng đời sản phẩm
Mỗi sản phẩm đều có một loại “tuổi thọ” nhất định. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, như điện thoại hoặc máy tính bảng, có thể chỉ trong vòng một năm, doanh nghiệp đã sản xuất được một phiên bản mới với tính năng nâng cấp hơn. Đối với một số loại sản phẩm khác như thức ăn cho vật nuôi hoặc sản phẩm chăm sóc cá nhân, khoảng thời gian này có thể chỉ là vài tuần. Khi đến thời kỳ “bổ sung”, chẳng hạn như cơ hội nâng cấp thiết bị mới, việc tiếp thị qua email cá nhân hóa có thể tạo ra tác động quan trọng đến khách hàng.
Hàng tiêu dùng và các sản phẩm thường xuyên cần bổ sung là những mặt hàng thường xanh mà người tiêu dùng thường lựa chọn một nơi cung cấp cố định và nỗ lực tiếp thị qua email được cá nhân hóa sẽ làm tăng đáng kể cơ hội giúp doanh nghiệp trở thành đơn vị cung cấp đó.
Email của doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, như ghi nhận sự bảo trợ của khách hàng đối với dịch vụ của doanh nghiệp, thông báo cho khách hàng về những thông tin hữu ích về sản phẩm, nhắc khách hàng bổ sung sản phẩm thay thế và những cách dễ dàng để làm được điều đó.
4. Thể hiện lòng biết ơn
Có lẽ hầu hết mọi người đều thích được nhận lời cảm ơn và điều này đặc biệt đúng với những người mua hàng. Khi thực hiện email marketing, nếu doanh nghiệp dành thời gian để ghi nhận, bày tỏ lòng biết ơn và gửi đến khách hàng những món quà hấp dẫn vì sự đồng hành của họ, điều này sẽ giúp hình thành mối quan hệ bền chặt thúc đẩy khách hàng quay trở lại. Chương trình khách hàng thân thiết hoặc những phần quà cảm ơn sự tương tác tích cực của khách hàng sẽ là những phương án hiệu quả để thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên.
Có nhiều cách để làm điều này, chẳng hạn như cung cấp ưu đãi mua sắm đặc biệt hoặc “đặc quyền” vào ngày sinh nhật, ghi nhận các sự kiện quan trọng như cung cấp mã giảm giá khi trở thành người mua hàng trung thành trong một năm, hoặc đơn giản chỉ là ưu đãi ngẫu nhiên như một lời cảm ơn cho sự đồng hành của khách hàng. Theo khảo sát, những email được cá nhân hóa để thể hiện lòng biết ơn đối với khách hàng luôn có thể tạo được ấn tượng tích cực và thúc đẩy sự bền chặt trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng.
5. Tinh chỉnh hoạt động marketing
Một trong những khả năng mang lại giá trị cao nhất mà dữ liệu thu được từ email marketing có thể làm là giúp doanh nghiệp tinh chỉnh chính xác mối quan tâm mà người mua hàng thường tập trung đến, điều này có thể làm cho hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn nhiều. Ví dụ: nếu khách hàng của doanh nghiệp chỉ thường lựa chọn xem và mua các loại giày dép và bỏ qua các loại trang phục khác, doanh nghiệp nên thực hiện chiến dịch tiếp thị qua email và hướng đến quảng cáo giày dép nhiều hơn đối với khách hàng đó.
Tương tự, nếu một người tiêu dùng không quan tâm đến các mặt hàng điện tử, không có lý do gì khiến doanh nghiệp phải thường xuyên chạy quảng cáo và chương trình khuyến mãi thiết bị điện tử đến người tiêu dùng này. Chiến lược này không những giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu tiếp thị hiệu quả hơn, mà còn tăng khả năng giữ chân khách hàng vì không liên tục spam hộp thư email của họ với những sản phẩm mà họ không quan tâm.
Đây là 5 yếu tố rất quan trọng mà doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng nếu muốn thúc đẩy hiệu quả chiến dịch tiếp thị và tăng độ trung thành của khách hàng. Bằng cách cho họ thêm những lý do để mua sắm cùng doanh nghiệp, chỉ số giá trị vòng đời khách hàng sẽ chỉ tăng lên theo thời gian nhờ hoạt động tiếp thị chu đáo đến từ doanh nghiệp.