3 Yếu Tố Quan Trọng Giúp Gia Tăng Lợi Nhuận Trong Thương Mại Điện Tử

Thương mại điện tử đang ngày một chiếm lĩnh thị trường kinh tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận hàng hoá cho người tiêu dùng, cơ hội phát triển quy mô và tăng doanh thu cho nhiều doanh nghiệp. Nhưng đồng thời, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức vì sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, để gia tăng lợi nhuận trong thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải chú ý đến 3 yếu tố quan trọng sau đây.

1. Trải nghiệm khách hàng

Các thương hiệu/ doanh nghiệp không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của trải nghiệm khách hàng, khi thiết kế hoặc nâng cấp một thiết kế trang web thương mại điện tử. Tiêu chí cần hướng đến chắc chắn phải là thân thiện với người dùng. “Chúng tôi không còn kinh doanh để bán sản phẩm nữa, chúng tôi đang kinh doanh bán trải nghiệm khách hàng”. Brad Rencher, EVP và GM mảng kỹ thuật số của Adobe đã phát biểu trong một sự kiện gần đây của Adobe – theo Direct Marketing News.

Trải nghiệm khách hàng

Một nghiên cứu từ eConsultancy thậm chí còn cho thấy gần ¾ (74%) doanh nghiệp cho rằng trải nghiệm khách hàng còn đóng vai trò chính trong việc cải thiện doanh số bán hàng và lợi nhuận. Theo Báo cáo Trải nghiệm Khách hàng, khi được trải nghiệm tốt hơn, khách hàng sẽ hài lòng và trung thành với thương hiệu hơn, nhờ đó tạo nên một tổng thể thương hiệu mạnh hơn.

Đây là lý do tại sao các công ty thương mại điện tử cần phải tiếp cận một cách khoa học đối với UX và thiết kế giao diện người dùng, đồng thời thực hiện phân tích chuyên sâu về môi trường khách hàng cũng như kiểm tra chất lượng của trải nghiệm từ mọi góc độ để có thể hình dung rõ ràng hơn. Báo cáo eConsultancy cho thấy rằng, nhiều thương hiệu cũng đang sử dụng thực nghiệm UX để loại bỏ phỏng đoán trong quá trình thiết kế và hỗ trợ phương pháp thiết kế lấy khách hàng làm trung tâm.

Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng trên thực tế không chỉ là những trải nghiệm tích cực mà còn có cả tiêu cực. Và căn cứ vào những trải nghiệm tiêu cực đó, doanh nghiệp sẽ có các biện pháp để cải thiện phù hợp nhằm loại trừ những đánh giá chưa tốt. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện hơn sản phẩm và dịch vụ của mình, tạo nên một dấu ấn riêng trong nhận thức của khách hàng.

2. Tích hợp back-end

Tích hợp back-end

Các trang web thương mại điện tử và cửa hàng trực tuyến ngày nay cần phải hoạt động với sự nhanh nhẹn đặc biệt và hiệu suất liền mạch, nếu muốn giữ chân khách hàng trong suốt hành trình xem xét sản phẩm và thanh toán. Bởi vì hiện tại, khi đã có quá nhiều kênh để chọn mua sản phẩm, khách hàng sẽ dễ dàng bỏ đi nếu trang web mất nhiều thời gian để tải hay không thể xử lý một yêu cầu nào đó. 

Ngoài ra, khi chú trọng đầu tư vào kỹ thuật back-end cho các nền tảng thương mại điện tử, trang web thương mại điện tử của doanh nghiệp sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là khi thời gian là một trong những điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Khi từng yếu tố như hàng tồn kho, phần mềm giao dịch thẻ tín dụng, nội dung web và các hệ thống back-end khác đều được điều phối đúng cách thì cửa hàng thương mại điện tử sẽ hoạt động tốt hơn, tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người ghé thăm.

Việc tích hợp back-end mạnh mẽ cũng là một yếu tố quan trọng để mang lại trải nghiệm thương mại đa kênh mà người tiêu dùng yêu cầu ngày nay. Theo Experience Dynamics, 83% khách hàng đã cho rằng sự chuyển đổi mượt mà giữa các thiết bị là rất quan trọng trong quá trình mua sắm. Trong thực tế, các thương hiệu hàng đầu đều cung cấp được những trải nghiệm mượt mà khi mua sắm và nhờ đó mà vượt trội hơn các thương hiệu khác trên thị trường.

3. Digital marketing

Digital marketing

Ngay cả khi đã có được bộ sản phẩm chất lượng với một thiết kế trực quan hấp dẫn cũng như website được thiết kế tối ưu, thì doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn sẽ phải vật lộn để tối đa hoá lợi nhuận của mình nếu không có một chiến lược digital marketing hoàn chỉnh. Do đó, các doanh nghiệp cần có cách thức để thu hút khách hàng truy cập vào trang web của mình, biến họ trở thành khách hàng tiềm năng, tạo sự quan tâm thông qua cá nhân hóa liên lạc và chốt giao dịch trên nhiều thiết bị khác nhau.

Nói cách khác, thực hiện được một chiến lược digital marketing thành công không phải việc đơn giản, và doanh nghiệp cần thực hiện chiến lược này bài bản cho mảng thương mại điện tử của mình mới có thể thu về lợi nhuận. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), thương mại điện tử xã hội hay tiếp thị nội dung chỉ là một vài trong số những yếu tố cần thiết doanh nghiệp cần thực hiện để nâng cao nhận thức và tương tác cho khách hàng mục tiêu của mình.

Để thành công trong thương mại điện tử, chỉ 3 yếu tố trên là không đủ. Tuy nhiên, đây là 3 yếu tố quan trọng cần có tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường thương mại điện tử hiện nay. Nếu biết cách kết hợp 3 yếu tố này cùng với các yếu tố cần thiết khác, doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặt hái được lợi nhuận trong lĩnh vực đầy triển vọng này.