Đo lường chất lượng chiến dịch email marketing giúp doanh nghiệp biết được mức độ hiệu quả của email gửi đi và từ đó có thể cải thiện và tối ưu để đạt kết quả tốt hơn. Vậy làm sao để đo lường mức độ hiệu quả của một chiến dịch email marketing? Câu trả lời là dựa vào các chỉ số.
Có rất nhiều chỉ số đo lường trong email marketing sẽ đánh giá hiệu quả của chiến dịch, trong đó có 15 chỉ số quan trọng sau đây:
1 Tỷ lệ mở (Open rate) | 9 Tỷ lệ gia tăng danh sách (List growth rate) |
2 Tỷ lệ nhấp (Click Through rate; CTR) | 10 Tỷ lệ duy trì người đăng ký (Subscriber retention rate) |
3 Tỷ lệ thoát (Bounce rate) | 11 Tỷ lệ churn (Churn rate) |
4 Tỷ lệ hủy đăng ký (Unsubscribe rate) | 12 Doanh thu trung bình từ email (Average revenue per email sent) |
5 Tỷ lệ khiếu nại (Spam complaint rate) | 13 Doanh thu từ email được mở (Revenue per open email) |
6 Tỷ lệ nhấp/mở (CTOR) | 14 Doanh thu từ người đăng ký (Revenue per subscriber) |
7 Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate) | 15 Lợi nhuận từ email (Email campaign profitability) |
8 Tỷ lệ đăng ký email (Email signup rate) |
Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về từng chỉ số trên nhé!
1. Tỷ lệ mở email (open rate)
Open rate được hiểu đơn giản là phần trăm người nhận mở email. Đây là chỉ số quan trọng đầu tiên trong chiến dịch email marketing vì nó ảnh hưởng đến những chỉ số sau đó. Open rate cho thấy mức độ quan tâm của người nhận đến những thông điệp từ doanh nghiệp. Dựa trên mức độ này mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh và tối ưu để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến open rate như Tiêu đề (Subject Line), thời gian gửi, người gửi, v.v; mà trong đó Tiêu đề (Subject line) là yếu tố tiên quyết. Do đó, để tăng tỷ lệ mở email, doanh nghiệp cần tối ưu hóa dòng tiêu đề để phù hợp với từng nhóm khách hàng.
2. Tỷ lệ nhấp (Click-through rate)
Click-through rate là số lần nhấp vào các liên kết trong email, thể hiện mức độ tương tác của khách hàng và chất lượng của chiến dịch. Cũng như open rate, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến click-through rate, thông thường tỷ lệ đạt mức tốt sẽ này nằm trong khoảng từ 2-6% đối với hầu hết các chiến dịch.
3. Tỷ lệ thoát (Bounce rate)
Đôi khi email không thể gửi đến hộp thư của người nhận. Có 2 dạng bounce rate: bounce rate vĩnh viễn do địa chỉ email bị sai hoặc không tồn tại nữa, bounce rate tạm thời là do hộp thư của người nhận đã đầy và có thể email sẽ được gửi tới trong tương lai.
Bounce rate càng thấp thì càng tốt, nhưng thông thường doanh nghiệp khó kiểm soát được chỉ số này ở mức 0%.
4. Tỷ lệ hủy đăng ký (Unsubscribe rate)
Unsubscribe rate thể hiện số người bỏ theo dõi và không muốn nhận thông tin qua email từ doanh nghiệp nữa. Từ chỉ số này, doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về hiệu suất của email marketing và liệu đối tượng mục tiêu có đang thích những nội dung họ nhận được hay không, tần suất gửi đã phù hợp với người nhận chưa, quy trình đăng ký có quá rườm rà hay không.
Chỉ số này sẽ dao động phụ thuộc vào tần suất gửi email, nhưng nếu vượt quá 0,5% thì đó là mức đáng cảnh báo.
5. Tỷ lệ khiếu nại (Spam rate)
Chỉ số này thể hiện việc người dùng báo cáo email có nội dung rác (spam) và họ không muốn nhận thêm các email tương tự nữa. Doanh nghiệp có thể dựa vào đó để điều chỉnh nội dung và tần suất gửi cho phù hợp.
6. Tỷ lệ nhấp/mở (Click-to-open rate)
Tỷ lệ Click-to-open rate (CTOR) là chìa khóa để đánh giá danh sách người đăng ký và mức độ liên quan của email. Chỉ số này quan trọng bởi những lợi ích mà nó mang lại cho doanh nghiệp như: cải thiện hiệu suất gửi email, hay so sánh kết quả giữa các phân khúc, giữa khách hàng mới và cũ để xem họ có điểm khác biệt nào.
100% là tỷ lệ lý tưởng nhất của chỉ số này, nhưng rất khó để đạt được điều đó. Có một vài lưu ý nhỏ đó là CTOR không thể hiện hết hành vi của người dùng, chẳng hạn như có nhiều đối tượng mục tiêu chỉ có thói quen mở email nhưng không quan tâm đến nội dung bên trong là gì.
7. Tỷ lệ chuyển đổi qua email (Conversion rate)
Conversion rate thể hiện số lượng người mua hành động dựa trên thông điệp của email. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mà giai đoạn chuyển đổi diễn ra khác nhau, nhưng quan trọng là đối tượng nào cũng cần phải chuyển đổi.
Không có mức chuyển đổi nào là tốt nhất, bởi nó còn phụ thuộc vào mục tiêu, đối tượng của doanh nghiệp và tình hình hiện tại của ngành. Nhưng thông qua doanh thu, doanh nghiệp có thể biết được tỷ lệ chuyển đổi khách hàng đạt mức tốt hay chưa.
8. Tỷ lệ đăng ký email (Email signup rate)
Đây là số lượng người đăng ký nhận email thông qua website, tỷ lệ này thể hiện mức độ thu hút khách truy cập vào trang đích (landing page). Có vài nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ này không cao là do mẫu đăng ký quá rườm rà hay khó nhìn thấy, nội dung chưa đủ để lôi kéo khách hàng. Dựa vào tỷ lệ này, doanh nghiệp có thể xem xét và cải thiện những thiếu sót.
9. Tỷ lệ gia tăng danh sách (List growth rate)
Số liệu này thể hiện tốc độ gia tăng số lượng người đăng ký nhận email, và cho thấy liệu danh sách người đăng ký có đang phát triển hay không và ở tốc độ nào. Do đó, con số này tăng trưởng càng cao thì càng tốt, trong công thức có tính đến quy mô của danh sách hiện tại nên tốc độ tăng trưởng rất có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
10. Tỷ lệ duy trì người đăng ký (Subscriber retention rate)
Subscriber retention rate cho biết cách doanh nghiệp duy trì tính ổn định của danh sách người nhận như thế nào và người đăng ký hủy nhận email nhanh ra sao.
11. Tỷ lệ churn (Churn rate)
Tỷ lệ churn cho thấy số khách hàng rời bỏ danh sách trong một khoảng thời gian nhất định vì nhiều lý do như (bỏ đăng ký, báo cáo spam, hoặc email bị hoàn trả). Dựa vào chỉ số này, doanh nghiệp có thể dự đoán và điều chỉnh nội dung cũng như chiến lược phù hợp để giữ cho tỷ lệ churn càng thấp càng tốt.
12. Doanh thu trung bình từ email (Average revenue per email sent)
Chỉ số này rất dễ hiểu, nó cho thấy mỗi email mang lại bao nhiêu doanh thu cho doanh nghiệp và có ích trong việc đưa ra các quyết định tốt và nhanh chóng hơn để thúc đẩy doanh số bán. Dù không phải tất cả các loại email đều tạo ra doanh thu (chẳng hạn như email chào mừng), doanh nghiệp vẫn có thể dựa vào chỉ số này để đánh giá và xem xét mục tiêu nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
13. Doanh thu từ email được mở (Revenue per open email)
Chỉ số này cũng tương tự như chỉ số bên trên, nhưng thay vì tập trung vào tổng số email đã gửi thì nó chỉ xét đến những người đã mở thư. Do đó doanh nghiệp dễ thấy được hiệu suất của các chiến dịch email và tầm quan trọng khi tương tác với khách hàng.
14. Doanh thu từ người đăng ký (Revenue per subscriber)
Một cách khác để đánh giá hiệu suất của email marketing đó là xem xét doanh thu mà mỗi khách hàng cá nhân tạo ra thông qua email, thể hiện rõ giá trị mà mỗi khách hàng đem lại là gì. Chỉ số này tốt hay không còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh và giá cả của sản phẩm / dịch vụ.
15. Lợi nhuận từ email (Email campaign profitability)
Từ chỉ số này, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị thực tế của email marketing thông qua lợi nhuận có được và đánh giá xem hướng đi hiện tại đã đúng hay chưa.
Đâu là những chỉ số chính để đánh hiệu quả của chiến dịch email marketing ? Cùng Blog Imp tìm hiểu 5 chỉ số email marketing quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả chiến dịch nhé !
Kết
Tóm lại, các chỉ số KPI này giúp doanh nghiệp phần nào hiểu rõ tình hình hoạt động đã tốt chưa và liệu có cách nào để kiểm soát những ảnh hưởng hay không. Đây là một số chỉ số phổ biến nhất có ảnh hưởng đến tăng trưởng ROI, ngoài ra còn có những số liệu khác mà doanh nghiệp có thể tham khảo sao cho phù hợp với mình nhất.
Nguồn: GetResponse